Hội nghị nói trên với sự góp mặt của nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên và lãnh đạo của nhiều trường tiểu học trên toàn tỉnh và đa phần ý kiến của các đại biểu đều đánh giá  việc thực hiện Thông tư 30 là bước đột phá của ngành Giáo dục và có những ưu điểm vượt trội: Đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới đánh giá học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về các mặt: giảm áp lực về điểm số, thi cử; giúp học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, quá trình và kết quả học tập; giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng; từ đó giúp học sinh tiến bộ theo các yều cầu giáo dục ở tiểu học. Kết quả đánh giá định kỳ cuối năm học 2014 - 2015 cho thấy chất lượng các môn học được đảm bảo vững chắc (các môn đánh giá bằng điểm có tỷ lệ đạt yêu cầu trở lên về kiểm tra định kỳ cuối năm học giữ vững hoặc cao hơn năm học 2013 - 2014; đặc biệt tỷ lệ học sinh đạt điểm 9, 10 (tương đương loại giỏi theo Thông tư 32/2009) đều tăng từ 2% - 7,24%, trong đó tăng nhiều nhất là môn Toán...
Giờ tự học của học sinh Trường Tiểu học Diễn Quảng (Diễn Châu).
Giờ tự học của học sinh Trường Tiểu học Diễn Quảng (Diễn Châu).
Tuy vậy, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc và nhiều giáo viên vẫn chưa bắt nhịp được những nét mới so với cách chấm điểm cũ. Vì vậy, không ít trường hợp các giáo viên vẫn dùng cách quy từ điểm số sang lời nhận xét hoặc nhận xét, đánh giá chung chung, ít có sự khuyến khích đối với học sinh. Nói về vấn đề này, bà Ngô Thị Nguyệt - Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo TP. Vinh cho rằng: “Khó khăn nhất hiện nay đối với các giáo viên là lựa chọn từ ngữ để nhận xét. Không thể tốt ngay từ đầu, nhưng ngay cả thời điểm hiện tại, không phải giáo viên nào cũng có thể nhận xét thuần thục và linh hoạt. Nhận xét như thế nào để học sinh dễ tiếp thu, không gây áp lực, gây tổn thương cho các em học sinh mà lại khuyến khích được học sinh là điều không phải dễ dàng gì”.
 
Ở những địa phương đặc thù miền núi, do phụ huynh học sinh nhiều nơi chưa thông thuộc tiếng Việt, học sinh lớp 1 và lớp 2 chưa đọc thành thạo nên việc nhận xét đánh giá bằng cách ghi vào vở của học sinh lại chưa tạo ra được hiệu ứng tương tác giữa nhà trường - gia đình - học sinh. “Không phải cứ phê đỏ vở thì mới là bám sát học sinh. Với đặc điểm dân cư, trình độ dân trí, địa hình của huyện miền núi thì việc đánh giá bằng lời nói với học sinh, phụ huynh sẽ có hiệu quả hơn lời nhận xét được ghi vào trong vở”, thầy Phan Văn Thiết - Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Kỳ Sơn chia sẻ.  Còn cô Trần Thị Như Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Sơn (Đô Lương) thì cho rằng, để đảm bảo tất cả các học sinh đều được đánh giá, ghi lời nhận xét là điều rất khó và rất mất thời gian của giáo viên. Bởi vậy nhà trường vẫn khuyến khích giáo viên đánh giá, khích lệ học sinh bằng lời nói mặc dù như vậy thì khó kiểm soát được cường độ làm việc của giáo viên. 
 
Bên cạnh đó, mặc dù Thông tư 30 chủ trương giao quyền cho hiệu trưởng trong việc khen thưởng, đánh giá cuối năm. Nhưng trên thực tế trong quá trình triển khai có những danh hiệu đưa ra không thật phù hợp với học sinh tiểu học và tình trạng “loạn” danh hiệu diễn ra khá phổ biến ngay trong năm đầu tiên thực hiện. Băn khoăn về điều này, cô giáo Lê Thị Lê - chuyên viên Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Tân Kỳ nói: “Ghi lời khen vào giấy khen cuối năm rất vất vả. Mỗi học sinh là một lời khen “chẻ nhỏ” ra thì rất sát với năng lực, tiến bộ của học sinh, nhưng rất mất thời gian của giáo viên. Nên chăng quy về nhóm hoặc từ gọn hơn”. Đại biểu huyện Kỳ Sơn thì chia sẻ một thực tế: Trước đây khen thưởng học sinh giỏi chủ yếu chỉ dựa trên kết quả học tập các môn văn hóa. Bây giờ việc khen thưởng phong phú hơn, cả về học lực, đạo đức, năng khiếu. Vì vậy, chắc chắn mỗi lớp sẽ có nhiều em được khen. Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa trong một lớp sẽ có một số ít các em không được khen gì cả. Như thế, lại tạo áp lực cho các em này và đi ngược với tinh thần của Thông tư 30...
 
Với 21 ý kiến được đưa ra tại hội nghị cho thấy còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 30. Điều này, hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán bởi năm học 2014 - 2015 là năm đầu tiên triển khai thực hiện đại trà. Trong khi đó, điều kiện của mỗi địa phương, mỗi trường học hoàn toàn khác nhau. Mặt khác, để thay đổi thói quen đánh giá thường xuyên bằng điểm số sang nhận xét cũng không phải một sớm một chiều và nói như thầy giáo Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT, thì: Nếu phụ huynh nào muốn con mình “thành đạt” ngay từ bậc tiểu học thì sẽ không vui với cách đánh giá này. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn vào những mặt tích cực, nhân văn. Ở đây thông qua nhận xét chúng ta động viên được các em, thấy các em tiến bộ hàng ngày và để các em không còn áp lực, để các em thực sự cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
 
Những tồn tại, những băn khoăn mà các đại biểu đã chia sẻ đòi hỏi ngành Giáo dục tỉnh nhà nhìn thẳng vào thực tế và tìm giải pháp để việc triển khai Thông tư 30 hiệu quả hơn trong năm học tới. Trong đó, ngành xác định, việc đổi mới cánh đánh giá theo Thông tư 30 phải đi kèm với đổi mới phương pháp dạy học. Vì vậy, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường giúp giáo viên nhận thức sâu sắc hơn các quan điểm mới trong Thông tư 30. Ngoài ra, cần tiếp tục tư vấn, hỗ trợ giáo viên về kỹ thuật đánh giá thường xuyên nhằm giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học giúp học sinh tiến bộ hàng ngày. Từng bước thay đổi trong việc xử lý hồ sơ theo dõi chất lượng học sinh giúp giáo viên giảm thời gian làm sổ sách, dành nhiều thời gian cho các hoạt động giáo dục học sinh. Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình; sử dụng hiệu quả sổ liên lạc cùng với ghi nhận xét trên bài làm để giúp phụ huynh nắm được sự tiến bộ cũng như những khó khăn để phối hợp giúp các em học tập, rèn luyện tốt.
 
Mỹ Hà