1.Thông tin đầy đủ, kịp thời cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về tình hình dịch bệnh nCoV, đặc biệt là 7 nội dung khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế. Nội dung khuyến cáo này dán ở công trường, cửa ra vào lớp học, công trình WC,..
2. Thủ trưởng đơn vị chủ động xây dựng Kịch bản phòng, chống dịch nCoV tại địa phương, đơn vị mình với 3 mức độ:
- Mức độ 1. Khi chưa có trường hợp nhiễm vi rút nCoV. Tập trung chủ yếu các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về dịch bệnh; tổ chức vệ sinh mô trường, tiêu độc khử trùng theo chỉ dẫn của ngành Y tế.
- Mức độ 2. Khi có trường hợp GV hoặc HS trong đơn vị dương tính với vi rút nCoV. Các biện pháp xử lý tình huống phải có ý kiến tư vấn của chuyên gia y tế; kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp trên.
- Mức độ 3. Khi có nhiều trường hợp GV hoặc HS nhiễm vi rút nCoV. Triển khai các biện pháp cấp bách với sự tư vấn của các chuyên gia y tế; ngay lập tức báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp trên.
3. Phối hợp với cơ sở y tế tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng khuôn viên trường học (lớp học, công trình vệ sinh, hội trường, khu bán trú, bếp ăn,…).
4. Nâng cao ý thức, kỹ năng bảo vệ bản thân đối với GV,HS:
- Khuyến cáo không đến nơi đông người, nơi có nguy cơ cao về lây nhiễm vi rút nCoV;
- Sử dụng khẩu trang thường xuyên và đúng cách;
- Thực hiện rửa tay thường quy với xà phòng diệt khuẩn hoặc chất sát khuẩn (sau khi xoa chất tẩy rửa sát khuẩn lên hai tay, đếm chậm từ 1 đến 20 để chất sát khuẩn có thời gian diệt khuẩn, sau đó mới dùng nước sạch rửa sạch tay). Thực hiện rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi ăn, sau khi dùng nhiều đồ dùng, đồ chơi; khi nhiều mồ hôi; sau khi đi vệ sinh xong,vv.
5. Lập danh sách, nắm chắc số đối tượng GV, HS có người thân (bố mẹ, anh chị em,..) đến từ vùng dịch hoặc từ Trung Quốc về để theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của các đối tượng này và chủ động có biện pháp phòng ngừa cần thiết. Báo cáo cho Phòng GD&ĐT và Phòng Y tế huyện về danh sách các đối tượng nói trên. Các trường học bố trí theo dõi và cách ly ngay những trường hợp GV,HS bị sốt cao, khó thở,..vv.
6. Khuyến khích xã hội hóa việc phun thuốc, tiêu độc khử trùng, vệ sinh khuôn viên, bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi trong trường học ở những nơi có điều kiện tổ chức rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn cho học sinh để bảo đảm hiệu quả phòng, chống lây nhiễm vi rút nCoV. Tổ chức tổng vệ sinh khuôn viên nhà trường. Lau chùi, vệ sinh dụng cụ làm việc, học tập, đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế, khu vực lớp học, phòng họp, công trình WC, khu vực bán trú, bếp ăn,vv bằng dung dịch xà phòng hoặc hóa chất diệt khuẩn.
7. Phòng chống dịch nCoV quyết liệt, không chủ quan, lơ là nhưng không gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh.
8. Về việc nghỉ học cục bộ. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị, nhất là những đơn vị có nhiều phụ huynh đi lao động ở vùng có dịch về, nguy cơ lây nhiễm vi rút nCoV cao, Hiệu trưởng nhà trường báo cáo và xin ý kiến của UBND cấp huyện xem xét cho học sinh nghỉ học. Đối với những học sinh bị sốt cao, khó thở, nhà trường cho các em nghỉ học, báo cáo cơ sở y tế địa phương cách ly các em để điều trị, theo dõi. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm bố trí nhân lực, thời gian phù hợp để dạy bù, dạy kèm những trường hợp nghỉ học vì lý do phòng chống dịch nCoV.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch nCoV tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ ngày 05/02/2020. Thủ trưởng các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo với Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại địa phương, cơ sở mình.
10. Sở GD&ĐT Nghệ An thiết lập đường dây nóng để phòng chống dịch nCoV. Mọi thông tin liên quan đến việc phòng, chống dịch này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh báo cáo về số điện thoại của Chánh Văn phòng Sở (tel:0983565267), hoặc Phó Chánh Văn phòng Sở (tel: 0912131516).