Trong xã hội ngày nay, kỹ năng sống là một vấn đề quan trọng để phát triển cơ bản và toàn diện cho học sinh. Đối với học sinh tiểu học việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này. Ngoài các hoạt động giáo dục văn hóa ở trường, chúng tôi chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho các em qua các giờ thực hành, những hoạt động, những việc làm gần gũi và thiết thực nhất. Bởi kỹ năng sống chính là những trải nghiệm thực tế nhất về cuộc sống để trẻ rèn luyện được tinh thần tự lập, tinh thần đội nhóm và năng lực cá nhân.
Trong chương trình dạy học tuần 0. Các em chủ yếu học 3 môn chính là: Toán, Tiếng Việt và Kỹ năng sống.
Sau những giờ học văn hóa căng thẳng, các em rất mong đợi và thích thú với tiết “Kỹ năng sống”. Tiết “Kỹ năng sống” là tiết học vô cùng bổ ích đối với các em học sinh đặc biệt là trong thời đại ngày nay, qua tiết học đó các em hình thành được cho bản thân mình những điều kiện nền tảng để phát triển năng lực nhận biết, tư duy và thực hành theo khung tham chiếu Bloom phát triển và hình thành toàn diện năng lực học sinh.
Bây giờ chúng ta hãy theo chân các bạn nhỏ để tìm hiểu chi tiết hơn về các tiết học “Kỹ năng sống” trong tuần 0 từ ngày 26/08 đến ngày 29/8.
Đầu tiên, chúng ta sẽ đến với tiết học “Kỹ năng sống” của các bạn khối 2.
Tiết học này có chủ đề là “Giáo dục An toàn giao thông”do cô Lê Thị Tuyết Vinh hướng dẫn.
Bài học đã chuẩn bị sẵn sàng rồi!
Với tiết học này, các em nhận biết được các loại đường giao thông, các phương tiện trên các loại đường giao thông, nhận biết một số biển báo giao thông thông dụng
Một số hình ảnh trong bài học
Khi được nghe cô giáo hướng dẫn và chia sẻ những thông tin về chủ đề giao thông, các em học sinh chăm chú lắng nghe và hăng say phát biểu, các em đều tỏ ra thích thú với tiết học này. Để kết thúc tiết học hôm nay cô giáo đã cho các em chơi một trò chơi với tên gọi “Ai nhanh, ai đúng”. Trò chơi này các em được chia thành những đội nhỏ, các em sẽ cùng nhau thảo luận và trả lời nhanh những câu hỏi mà cô giáo đưa ra.
Qua tiết học ngày hôm nay, các em khối 2 đã phần nào nắm được những nguyên tắc khi tham gia giao thông, từ đó hình thành cho các em ý thức chấp hành luật lệ giao thông một cách hiệu quả nhất. Chính các em sẽ là người nhắc nhở ông bà, bố mẹ, anh chị… tham gia giao thông một cách an toàn.
Trong cùng một buổi sáng, các bạn khối 3 cũng đang háo hức cho tiết “Kỹ năng sống” của khối mình.
Đến với giờ kỹ năng sống của các bạn học sinh khối 3, các em đã chuẩn bị sẵn các đồ dùng trên bàn bao gồm: bút, thước kẻ, sách vở, truyện, chì màu,… Những đồ dùng này chính là dụng cụ thân quen, gần gũi với các bạn học sinh và với tiết học này, cô Thu Hà sẽ hướng dẫn các em thực hiện chủ đề “Em chăm sóc và giữ gìn đồ dùng”.
Các bạn nhỏ đã sẵn sàng cho tiết học.
Hoạt động đầu tiên trong bài học này, các em sẽ được tự mình nêu lên ý kiến “Làm sao để chăm sóc những đồ dùng đáng yêu” như đồ dùng học tập của mình, đồ dùng trong nhà… Các em đã tự nói lên được những cách thức cần phải làm để chăm sóc những đồ dùng đó. Với hoạt động đầu tiên này các em đã học cách trình bày ý kiến cá nhân đồng thời thực hiện khả năng thuyết trình. Có bạn học sinh đưa ra ý kiến: “Vở với truyện, khi viết và đọc xong chúng ta cần phải sắp xếp lên giá sách gọn gàng để không bị những nếp gấp làm quyển vở, quyển truyện đó bị hư”.
Bạn nhỏ đang nêu lên ý kiến của mình đấy!
Sau khi các em đã nêu lên được những ý kiến như vậy, cô giáo đã nhắc nhở các em về việc chăm sóc và giữ gìn đồ dùng. Không chỉ nói bằng lý thuyết, cô giáo đã chỉ cho các em thực hành tại lớp bằng những việc rất gần gũi và cụ thể. Các em đã được cùng các bạn, dùng khăn và lau bàn nơi mình ngồi học để giữ cho bàn học luôn luôn sạch sẽ; cất đồ dùng học tập vào hộp bút khi đã sử dụng để nó không bị hư và sẽ dễ tìm thấy hơn rất nhiều.
Tớ và cậu cùng lau bàn học của mình nhé!
Để tớ giúp cậu cất bút vào hộp nha!
Tiếp theo, các em cùng nhau thực hiện công việc đó là lau chùi tủ đựng sách và sắp xếp truyện lên tủ thật ngăn nắp và gọn gàng.
Chúng mình cùng nhau làm việc này!
Thành quả của tụi mình nè!
Tiết học kết thúc trong niềm vui của các em học sinh, các bạn nhỏ đã cùng nhau góp sức tạo nên một môi trường học tập sạch, đẹp và từ đó các em sẽ là những cậu bé,cô bé góp phần giữ gìn đồ dùng của chính lớp học mình, làm cho lớp học trở nên gọn gàng ,tạo một không khí học tập trong lành hơn và thoải mái hơn. Khi các em đã thực hành xong, cô giáo kết thúc tiết học bằng một phiếu bài tập nhỏ dành cho các em.
Chúng mình đang cùng nhau thảo luận đấy!
Các em đều thảo luận rất sôi nổi và các ý kiến đều thể hiện khả năng nhận thức và tư duy của học sinh, qua đó cô giáo càng nắm bắt được năng lực và suy nghĩ của từng em.
Đến với học sinh khối 4 và 5, các bạn khối 4 và 5 đã có sự hình thành nhận thức khá rõ ràng nên chủ đề chung cho cả hai khối là “Bảo vệ môi trường".
Tìm hiểu về môi trường.
Đối với các bạn học sinh khối 4 và 5, giáo viên đưa vào những lý thuyết về môi trường, sự ô nhiễm môi trường hiện này. Qua đó, giúp các em có cách nhìn rõ ràng hơn đồng thời hiểu hơn về môi trường sống xung quanh các em, những ý nghĩa, lợi ích mà môi trường mang lại cho các em, gia đình và xã hội. Từ việc nhìn nhận rõ về ý nghĩa và tác động của môi trường đối với con người, cô giáo cho học sinh nêu lên những cách thức để bảo vệ môi trường, các em học sinh đã tự tin nêu lên ý kiến của bản thân cũng như thảo luận, trao đổi với các bạn về cách thức bảo vệ môi trường, chung tay góp sức bảo vệ “ngôi nhà xanh” và “mẹ Trái đất”.
Sau khi tìm hiểu và trao đổi, các bạn học sinh khối 4 được thực hành trồng và chăm sóc cây hoa ở ban công nhà trường dưới sự hướng dẫn và theo dõi của cô Thu Thủy.
Học sinh thực hành trồng cây.
Trong khi đó, các bạn học sinh khối 5 cùng với cô Nguyễn Oánh cùng nhau tìm hiểu rõ ràng hơn về 3T trong việc hạn chế sử dụng nilon và nhựa: Tiết giảm, tái chế, tái sử dụng.
Thông qua sự sáng tạo, những ý tưởng và sự khéo léo, các “nhà nghiên cứu môi trường nhí” đã tạo những sản phẩm thú vị, những trò chơi, hình thù ngộ nghĩnh từ những chai nhựa, những vật dụng đáng bỏ đi. Từ đó, các em có cơ hội để phát triển hơn về khả năng sáng tạo, tư duy và thuyết trình những sản phẩm mà các em tạo nên cũng như ý thức tái sử dụng, tiết kiệm.
Rất sáng tạo và đáng yêu!
Không chỉ dừng lại ở đó, các em học sinh khối 5 còn được cô giáo hướng dẫn phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, những vật dụng nào có thể tái chế.
Với chủ đề vô cùng thiết thực với cuộc sống hiện tại, học sinh khối 4 và 5 đã tỏ ra là những “anh chị chững chạc” trong trường, ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường đồng thời có cơ hội để phát triển năng lực bản thân, thúc đẩy tư duy và khả năng sáng tạo. Các em tỏ ra rất hào hứng và vui vẻ bởi đã tự tay tạo nên được những món đồ ý nghĩa dành tặng cho bạn bè, gia đình từ những vật dụng cũ.
Học sinh thực hành phân loại rác!
Qua những tiết học này, hi vọng các em học sinh sẽ phát triển được nhiều hơn về kỹ năng, hiểu hơn về những vấn đề xung quanh cuộc sống và biết cách tự lập hơn, giúp đỡ bố mẹ trong khả năng cho phép.
Cuộc sống biến động, kiến thức sẽ dần lỗi thời nhưng kỹ năng sống là điều kiện cần thiết không thể tách rời với cuộc sống hiện đại, giáo dục kỹ năng sống đòi hỏi sự bền bỉ, lâu dài và cách thức khéo léo lồng ghép vào các bài học. Muốn giáo dục trẻ hoàn thiện cần sự phối hợp giữa giáo viên, nhà trường và phụ huynh để dành những điểu tốt nhất cho những mầm non của đất nước.
Tin bài: Phạm Thị Thu Thủy - GV lớp 4A
Ảnh: Nhiều nguồn