Giáo dục giá trị sống là nhu cầu thiết yếu và quan trọng hàng
đầu trong việc hình thành nhân cách, phẩm chất, năng lực cho người học, đặc biệt
người học là học sinh cấp trung học cơ sở. Đây cũng là yêu cầu của Đề án đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục
và đào tạo với mục tiêu chuyển hướng từ trang bị kiến thức nặng về lí thuyết
sang trang bị những năng lực cần thiết và phẩm chất cho người học.
Chính vì vậy, việc đưa giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống
vào trường học (bằng/ qua các giờ học trải nghiệm) cùng với các môn học và các
hoạt động giáo dục khác có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là việc làm hoàn toàn
đúng đắn để hình thành nhân cách đẹp cho học sinh.
Học sinh bậc trung học cơ sở thuộc lứa tuổi giàu ước mơ, ham
hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá, song hiểu biết về cuộc đời, về con người và
xã hội còn rất hạn chế, còn quá thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động…
Do đặc thù của tâm, sinh lý lứa tuổi, học sinh bậc Trung học Cơ sở cần được ưu
tiên hàng đầu về giáo dục giá trị sống, cần phải được xây đắp, hình thành các
giá trị nhân cách. Kinh nghiệm cho thấy giáo dục ở các nước phát triển với nền
văn hóa, văn minh chất lượng cao, việc giáo dục giá trị sống cho các em bậc học
THCS được quan tâm, chú ý thực sự với những chương trình, kế hoạch bài bản, cụ
thể, nhân cách của các em được hình thành trông thấy.
Chữ Hiếu là nền tảng của
đạo đức con người, trước hết là trong gia đình. Thực tế cho thấy, ngay từ trong
gia đình, các em biết yêu thương và có trách nhiệm với bố mẹ, anh, chị em, biết
kính trên, nhường dưới, ra ngoài xã hội, các em cũng có được những nét đẹp của ứng
xử văn hóa, nhân văn đó. Có thể nói với lứa tuổi trung học cơ sở, ý thức về chữ
hiếu, ứng xử theo yêu cầu tích cực của chữ hiếu là cơ sở quan trọng ban đầu
tham gia đắc lực vào quá trình hình thành nhân cách ở các em. Các em có yêu
thương, có trách nhiệm với cha mẹ và anh, chị, em trong gia đình mình thì mới
có thể yêu thương, có trách nhiệm với người ngoài và cộng đồng.
Nắm bắt sâu sát những vấn đề trên, và theo kế hoạch đề ra đầu
năm học 2020 – 2021, Ban Giám hiệu trường Thực hành Sư phạm - Đại học Vinh đã tổ
chức hoạt động trải nghiệm – giáo dục giá trị sống với chủ đề Vu Lan báo hiếu cho hơn 700 học sinh cấp
Trung học cơ sở vào ngày 03/10/2020, tại chùa Gám (chùa Chí Linh) thuộc huyện
Yên Thành, Nghệ An.
Buổi học diễn ra với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa, với
sự trụ trì của thầy – Đại đức Thích Tuệ Minh. Trước sự truyền giảng, chia sẻ về
tình mẫu tử, tình phụ tử của thầy, rất nhiều học sinh cảm thấy thú vị, xúc động.
Công ơn trời biển của cha mẹ là nguồn tình cảm quý giá, là điểm tựa vững chắc,
là bến bờ an yên, hạnh phúc cho mỗi người. Những tình cảm, công ơn lớn lao đó
đã thực sự chạm đến sâu thẳm tâm hồn các em, khơi dậy và lan tỏa một cách mãnh
liệt những niềm xúc động, nỗi ân hận, day dứt, sự nhận thức đúng đắn, tình yêu
thương, kính trọng, sự khắc cốt ghi tâm ở chính mỗi học sinh.
Thể hiện rõ ràng nhất cho nhận thức của các em, chính là hình
ảnh của những giọt nước mắt xúc động nghẹn ngào, những cái cúi đầu, những sự im
lặng, trầm ngâm, những ánh mắt chăm chú, những cánh tay mạnh dạn giơ lên muốn
bày tỏ nỗi niềm,… Có lẽ, chưa bao giờ như lúc này, giá trị về lòng biết ơn, báo
hiếu được Thầy trụ trì giáo dục chân thực, ý nghĩa đến như vậy, và hơn hết, giá
trị ấy được các em đón nhận bằng tất cả trái tim với niềm say mê, thích thú,
xúc động, trân trọng.
Hoạt động trải nghiệm – giáo dục giá trị sống với chủ đề Vu Lan báo hiếu đã diễn ra tốt đẹp, và
chắc hẳn, đây sẽ là bài học sâu sắc về đạo làm con, là kỉ niệm đáng nhớ trong
cuộc đời mỗi học sinh trường Thực hành Sư Phạm, Đại học Vinh.
(Bài viết: Thạc sĩ Biện Quỳnh Trang; Ảnh: Sưu tầm)
Học sinh trong giờ trải nghiệm
Học sinh chăm chú đọc kinh Vu Lan báo hiếu
Xúc động ...
Nghẹn ngào ...