​    "Hòa bình, độc lập, tự do" là ba từ thiêng liêng mà dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng mấy ngàn năm lịch sử gian khổ và hào hùng. Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã lập được nhiều kì tích trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, ghi vào pho sử vàng dân tộc nhiều chiến công hiển hách. Những chiến công đó mãi là niềm tự hào của con dân đất Việt. Vì thế, Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã ghi dấu những ngày lễ trọng đại của dân tộc. Một trong những ngày lễ trọng đại đó là ngày 22/12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Hòa chung không khí của cả nước chào mừng 74 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/218) và 29 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2018), trường THSP -  Đại học Vinh tổ chức chương trình tham quan tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ tĩnh, Bảo tàng Quân khu 4 và xem chiếu phim cách mạng nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2018) dành cho học sinh khối tiểu học

    Mở đầu là hoạt động các em được tham bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (học sinh khối lớp 2,3,4,5) và Bảo tàng Quân khu 4 (HS khối lớp 1) nhằm giáo dục truyền thống yêu nước tự hào dân tộc, thể hiện lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ.Qua đó giáo dục cho các em học sinh lòng tự hào quê hương đất nước, giúp các em tìm hiểu thực tế các di tích, lịch sử của quê hương.

Một số hình ảnh được ghi lại trong buổi tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh:


Hoạt động múa, hát tập thể


Toàn thể  HS dành 1 phút mặc niệm các Anh hùng, liệt sỹ



GV và HS dâng hương tại nhà lưu niệm đ.c Nguyễn Thị Minh Khai


Các em học sinh chăm chú lắng nghe cô thuyết trình viên kể chuyện




Các em rất hứng thú tìm hiểu các di vật lịch sử



Học sinh nghe hướng dẫn viên giới thiệu những chứng tích tại Bảo tàng Quân khu 4

Giáo viên và học sinh lớp 5B


Giáo viên và học sinh lớp 2C


Giáo viên và học sinh lớp 2D


Giáo viên và học sinh lớp 2B

      Tiếp theo chương trình các em được xem phim “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Khánh Dư ra đời năm 1979, đoạt giải Bông Sen Vàng 1980 và một số giải thưởng điện ảnh Quốc tế. Phim được giới phê bình đánh giá là “đầy chất thơ”. Đây Là một bộ phim mang tính giáo dục cao kể về một câu chuyện có thật của nhân vật chị Út, với hình ảnh của các bạn nhỏ trong phim mang lại cho học sinh rất nhiều cung bậc cảm xúc. Chúng tôi tin rằng thông qua bộ phim các em càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc mình, tự hào hơn nữa về người phụ nữ Việt Nam anh hùng – bất khuất – trung hậu –  đảm đang và càng biết quý trọng hơn vì mình may mắn được sống trong một đất nước hòa bình. Để từ đó các em càng ý thức sâu sắc hơn về sự hi sinh của bao nhiêu thế hệ cha anh để đổi lại được hòa bình,độc lập, tự do cho ngày nay.

    Hoạt động tham quan đã để lại trong các em những phút giây bùi ngùi xúc động, xin chia sẻ một số cảm nhận của học sinh:

    Em Dương Nguyễn Hà My, học sinh lớp 5C viết:

    Chúng ta đang sống trong một xã hội hòa bình, độc lập tự do và hội nhập. Một xã hội đã mang đến cho người dân Việt Nam một cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc. Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, đó là nhờ những công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ dũng cảm sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc. Để biết về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc trong thời kì chiến tranh khốc liệt, mất mát, vừa qua nhà trường đã tổ chức cho chúng em một chuyến đi trải nghiệm bổ ích tại Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh. Đây là một dịp để chúng em tham quan  để hiểu về chiến tranh ngày xưa. Điều khiến em ấn tượng là tinh thần hiếu học và yêu nước của toàn thể nhân dân .

    Giai đoạn năm 1930, thực dân Pháp bóc lột dân ta tàn bạo dẫn đến đòi sống dân ta rất cùng cực. Nhân dân rất căm phẫn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã nổ ra. Ngày 12-09-1930: Hàng vạn nông dân từ Hưng Nguyên, Nam Đàn kéo về thị xã Vinh với cờ đỏ búa liềm và các khẩu hiệu "đả đảo đế quốc!", "đả đảo nam triều", "nhà máy về tay thợ thuyền", " ruộng đất về tay dân cày". Thực dân Pháp cho ném bom làm hơn 200 người chết, hàng trăm người bị thương.

     Tức nước vỡ bờ, làn sóng đấu tranh của nhân dân ta ngày càng mạnh hơn nhưng chưa được bao lâu, vào năm 1931, thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn dã man để đàn áp. Đến giữa năm 1931 phong trào bị dập tắt . Chỉ trong hai năm, đã có hơn hai nghìn người chết, hàng trăm người bị thương , hoàn cảnh nước ta lại trở lại như xưa, con không bố không mẹ, vợ mất chồng, hoàn cảnh nước ta lại một lần nữa rơi vào tay thực dân Pháp.

        Trong  hai năm, hàng nghìn người bị bắt nhưng lòng yêu nước của họ vẫn còn, họ tiếp tục đứng lên đấu tranh trong nhà lao Vinh. Dù không có vũ khí nhưng các anh vẫn đứng lên chiến đấu bằng cách hô khẩu hiệu  Hơn thế nữa, dù có ở bất cứ nơi đâu, tinh thần hiếu học vẫn được duy trì. Trong nhà tù, chiếc bút của các anh là máu, là đá là nước uống hằng ngày của các anh, giấy chính là tường. Khi những nét chữ mờ đi, các anh lại viết những nét chữ khác để dạy lại cho những anh chưa biết chữ rồi dần dần khi ra tù hầu hết các anh đều biết chữ và có thể gửi thư về cho gia đình. Những hành động của các anh cho thấy lòng dũng cảm và sự biên bỉ trong đấu tranh. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật, hình ảnh gốc chứng minh cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930 – 1931như bộ sưu tập những chiếc trống dùng trong đấu tranh, sưu tập ấn loát, sưu tập vũ khí sưu tập các con triện, sưu tập các hiện vật nuôi giấu cán bộ Đảng và một danh sách hệ thống 49 di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Phía trước nhà Bảo tàng có bia dẫn tích - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ và nhân dân Nghệ An khi về thăm quê năm 1957. Các anh là những anh hùng của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của cả dân tộc. Các anh thật quả cảm và kiên cường, các anh là những tấm gương để đời đời mai sau học tập. Phải chăng, sự chịu đựng những đòn tra tấn dã man đó là những người cộng sản,những người yêu nước, anh bộ đội Cụ Hồ mang trong mình tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc. Họ dám xả thân, hi sinh để giành lại đọc lập cho Tổ quốc với một tinh thần bất khuất kiên cường : “ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”,“ Không có gì quý hơn tự do". Chiến tranh đã đi qua nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn, không bao giờ mất. Kết thúc chiến tranh đều mang lại những dâu thương mất mát.

     Đất nước chúng ta đang trong quá trình hội nhập phát triển, mỗi người chúng ta cần phải quý trọng nền độc lập tự do mà lớp lớp ông cha ta đã đánh đổ bằng cả xương máu của mình. Qua chuyến đi này, em nghĩ rằng trước hết thế hệ trẻ chúng ta cần phải phấn đấu học tập thật tốt để mai sau xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh, để không phụ công sức bao ngày chiến đấu vì đời mai sau của đời ông cha ta thuở trước.

Tiếp sau đây, mời quý độc giả cùng cảm nhận bài viết của em Nguyễn Hoàng Khánh Linh đến từ lớp 5B:

        Nhân ngày 22/12 là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam , trường THSP Đại học Vinh chúng em đã tổ chức một chuyến tham quan tới bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh vào ngày 19/12/2018. 
       Ngày nay, chúng ta được ăn ngon mặc đẹp, được sống trong hòa bình, hạnh phúc và tự do. Nhưng để có điều đó đâu chỉ đơn giản như các bạn nghĩ , để có cuộc sống như ngày hôm nay thì cha ông ta phải trải qua bao nhiêu gian nan, khổ cực. Để thế hệ trẻ chúng ta được biết về những cuộc chiến tranh ác liệt và đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì tổ quốc, những bảo tàng – nơi lưu giữ các hiện vật thời xa xưa đã ngày càng nhiều. Nhưng nơi quê hương Xứ Nghệ tôi có một bảo tàng đẹp và cổ kính hơn cả đó chính là bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

          Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam và là nơi từng giam cầm hàng ngàn chiến sĩ cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong những năm 1930-1931. Đây còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh gốc chứng minh cho phong trào nổi lên ở tỉnh Nghệ An.Các bộ sưu tập như những chiếc trống dùng để khơi dậy người dân đứng lên đấu tranh với tinh thần giành lại độc lập,tự do. Bộ sưu tập còn lưu lại những vũ khí mà các nhà cách mạng đã từng sử dụng, còn cả những con triện, các hiện vật của cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Qua đó, tôi đã hiểu hơn về lịch sử của nước nhà. Sau những lời giảng giải của cô hướng dẫn viên, hai hàng nước mắt của cả đoàn người như xúc động mà cũng tuôn theo dòng cảm xúc. Cô đã đưa chúng tôi quay trở lại thời gian lao vất vả của cha ông ta để được hiểu rõ hơn về những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc. Mình thật bất ngờ vì tấm lòng yêu nước của các chiến sĩ, tinh thần hiếu học đã giúp các nhà cách mạng của chúng ta đạt được ước nguyện của họ.
       Đến bây giờ,tôi mới hiểu được tấm lòng yêu nước của những chiến sĩ đã hi sinh vì tổ quốc để có được ngày hôm nay. Là 1 cô bé lớn lên ở đất Xứ Nghệ tôi sẽ cố gắng học thật giỏi để mai này có thể giúp ích cho đất nước Việt Nam.Tôi yêu các nhà cách mạng vì họ đã trao cho chúng ta một cuộc sống tươi đẹp như ngày hôm nay. Em cảm ơn tất cả các thầy cô giáo cùng toàn thể cán bộ của Bảo tàng đã giúp em khắc sâu trong trí nhớ về những anh hùng dân tộc.

Bài viết của bạn Nguyễn Dương Bảo Trân, học sinh lớp 5A:

    Ngày thứ 4 đẹp trời,gió hiu hiu thổi xuyên qua từng kẽ lá,tán cây.Chúng em hôm nay tới trường để cùng nhau tham gia trải nghiệm Di tích Lịch Sử nổi tiếng mang tên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nó là một trong những Bảo tàng được xây dựng đầu tiên trong thời kì chiến tranh.Bước lê xe buýt,ai cũng mang cho mình một vẻ mặt háo hức,nôn nao chờ đợi.Ở trong bảo tàng trang nghiêm,chúng em cùng cô hiệu phó dâng hương tưởng niệm hơn 2.000 chiến sĩ anh dũng đã hi sinh từ năm 1930 đến năm 1931,tải mảnh đất Nghệ Anvà Hà Tĩnh này. Họ là những chiến sĩ rất anh dũng. Khi ra chiến trường,ai cũng quên thân,chỉ nghĩ đến Tổ Quốc.Bên cạnh đó,còn có cả những bức tường bằng đá khắc lại hình ảnh những người cách mạng ngày xưa bị địch giam trong ngục.Không đồ ăn ,thức uống.Khi nhìn lại những hình ảnh trên làm sao mà chúng ta không khóc được chứ!

    Những chiến sĩ ngày xưa cứ mỗi lần được đưa nước,họ chỉ uống nửa cốc còn phần còn lại thì các chiến sĩ dùng tay thấm một ít rồi viết lên tường.Các con chữ họ viết sẽ đậm lên sau khi viết.Xung quanh các bức tượng được làm bằng đá là 10 cột đèn đá tượng trung cho sự anh dũng và dũng cảm chiến đấu của nhân dân ta thời xưa.Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất với em đó là tượng đài cao 9m với hình ảnh nhân dân ta đứng lên,giành lại chính quyền trong tay thực dân Pháp.3 bức ảnh cao 4m và rộng 1,5m được làm từ vàng được đặt dưới một ngon lửa sáng chói,thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm chiến đấu của nhân dân ta.Phía trong,họ giành một góc riêng để trưng bày đồ dùng của Vladimir llyich Untanov (V.L.Lenin) ,người đã hỗ trợ Bác Hồ tại hang Pác-Bó trong thời kì kháng chiến.Trong đó có những đồ dùng ông dùng để viết hoặc quần áo ông mặc ngày xưa.Không thể thiếu bức ảnh ngôi nhà 48 hàng Ngang,nơi Bác Hồ viết Bản tuyên ngôn độc lập.Rời khỏi Bảo tàng,chúng em lại di chuyển lên rạp chiếu bóng để xem phim cách mạng.Bộ phim mang tên”Khi mẹ vắng nhà”,tuy tiêu đề là vậy nhưng nó lại mang nội dung rất ý nghĩa.Câu chuyện có thật kể về một gia đình có 5 chị em với chị cả mới 10 tuổi.Tuy chỉ trạc tuổi như chúng ta nhưng cô bé ấy lại phải trông 4 đứa em lúc mẹ ra chiến trường đánh giặc. Từ mò cá,tôm đi bán để lấy tiền đến việc đi chợ cũng đổ lên một cô bé đang ở tuổi học,tuổi chơi.Ngày nào cô cũng trèo lên ngọn cây cao,tưởng tượng hình ảnh một ngày nào đó mẹ sẽ vui vẻ trở về với họ.Không những vậy,trẻ con ngày xưa rất mong muốn được biết con chữ. Được đi học đối với họ như là một giấc mơ vậy. Em thấy rất cảm kích trước tấm lòng yêu nước và hi sinh cho Tổ Quốc của các chiến sĩ thời xưa. Em rất biết ơn và yêu thương họ. Em sẽ chăm ngoan học giỏi để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

    Đã có rất nhiều những dòng cảm xúc như vậy sau chuyến tham quan, học ngoại khóa tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được viết ra trong sổ lưu niệm ở Bảo tàng, trong bài viết thu hoạch hay cả trong những trang nhật ký vụng về của lứa tuổi học trò.

    Tôi xin được khép lại bài viết này bằng những dòng cảm xúc của các em học sinh : “Là người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ Tĩnh này, em hứa sẽ học tập thật tốt, chăm ngoan để có thể xây dựng đất nước thêm giàu mạnh như các anh hùng thời ấy.” (Nguyễn Thị Phương Nhi, học sinh lớp 5B); “Em cảm ơn tất cả các thầy cô giáo cùng toàn thể cán bộ trung trực của bảo tàng đã giúp em khắc sâu trong trí nhớ của em về những anh hùng dân tộc. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để mai này có thể giúp cho đất nước Việt Nam phát triển hơn và xứng đáng với cuộc sống mà các chiến sĩ đã dành cả tính mạng của mình để có được ngày hôm nay”. (Hồ Vân Khánh, học sinh lớp 5B); “Em cảm thấy rất tự hào và thầm cảm ơn các anh hùng liệt sỹ vì đã hy sinh cho chúng em có cuộc sống  ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Để đền đáp công ơn trời biển đó chúng em cần phải học tập thật tốt , ngoan ngoãn, chăm chỉ, vâng lời ông bà bố mẹ để xứng đáng con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.(Nguyễn Hà Mỹ Uyên, học sinh lớp 5C); “Cuộc trải nghiệm nơi đây thật tuyệt vời. Chúng em rất biết ơn các chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc để lập lại hòa bình cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Chúng em thầm hứa sẽ cố gắng ngoan ngoãn, học giỏi để trở thành những công dân có ích, tiếp bước truyền thống của cha ông.” (Phan Trọng Dương, học sinh lớp 5C).
     Phần lớn, các em đều cho rằng đó là “những giờ học đáng nhớ nhất” của mình, bởi không chỉ là những bài giảng, những trang sách giáo khoa, những câu chuyện “xa xưa khó mà tưởng tượng nổi”, mà đó là những giờ khắc các em được “chạm vào lịch sử”, được sống cùng quá khứ của mảnh đất, con người quê hương. Và đó cũng chính là mục đích của chúng tôi – những nhà giáo luôn mong các em sau các hoạt động trải nghiệm sẽ tích lũy cho bản thân mình không chỉ là kiến thức mà còn là những xúc cảm, những quyết tâm cho bản thân, cho tương lai, cho quê hương và cho một đất nước ngày càng tươi đẹp. Những mần non tương lai của đất nước. Chúng tôi đặt niềm tin ở các em!

Tin, bài :  Đặng Thị Hòa (GVCN lớp 5B)

Ảnh : nhiều nguồn