1. Thông tin chung
Tên khoa: Khoa Điện tử Viễn thông Tên viết tắt: ĐTVT
Tên tiếng Anh: Faculty of Electronics and Telecommunications
Địa chỉ: Nhà Ao, Trường Đại học Vinh, Số 182, Lê Duẩn, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An
Liên hệ: Điện thoại: (038) 3856956 Fax: (038) 3855269
Website: http://www.http://khoadtvt.vinhuni.edu.vn
2. Giới thiệu về khoa Điện tử Viễn thông
Khoa Điện tử Viễn thông đã được thành lập từ 11/2010 trên cơ sở hai bộ môn Điện tử và Viễn thông thuộc Khoa Công nghệ với gần 10 năm kinh nghiệm trong việc đào tạo Kỹ sư ngành Kỹ thuật điện tử, viễn thông. Với xu hướng phát triển đa dạng các ngành kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao, hiện nay Khoa được Nhà trường giao phụ trách, tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho 2 ngành kỹ sư là: “Kỹ thuật Điện tử, truyền thông” và "Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa".
Một số hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tại khoa Điện tử Viễn thông.
Hiện tại khoa ĐTVT có 24 cán bộ, trong đó có 22 CBGD, 2 cán bộ hành chính. Đội ngũ cán bộ giảng dạy có 19 người có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 3 PGS, 1 TS, 6 NCS và 13 thạc sĩ, 3 KS. Về bộ máy tổ chức, hiện tại khoa có 3 Bộ môn bao gồm Bộ môn Điện tử; Bộ môn Kỹ thuật Viễn thông và Bộ môn Kỹ thuật điều khiển và tự động và các tổ chức đoàn thể như Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên, LCH SV và tổ nữ công.
Trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, khoa ĐTVT có sự hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín trong cả nước như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Học viện Kỹ thuật quân sư;…, các cơ quan, nhà máy, cở sở sản xuất như VNPT Nghệ An, Hà Tĩnh, Đài tryền hình Nghệ An, Công ty Mobifone, Công ty điện tử BSE,… Bên cạnh đó, Khoa còn sự hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài trong việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ và thực hiện các đề tài KHCN như: CHLB Đức, Hàn Quốc, Nga, Ba Lan, Trung Quốc,…
Một số thiết bị thực hành, thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm ở Khoa Điện tử Viễn thông. Chương trình đào tạo của các ngành được xây dựng theo hệ thống tín chỉ, đây là hình thức đào tạo tiên tiến với người học là trung tâm đang được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Chương trình đào tạo luôn được xây dựng và cập nhật thường xuyên nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, toàn diện và hiện đại về khoa học, công nghệ điện tử, truyền thông, điều khiển, tự động hóa, tin học. Trong đó phần thực hành, thí nghiệm được quan tâm đúng mực, giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi nhanh của kỹ thuật và công nghệ trong tương lai. Ngoài các kiến thức chuyên sâu của ngành đào tạo, các kỹ sư còn được trang bị tốt các kiến thức cơ bản về vật lý hiện đại, toán cao cấp và các kiến thức về khoa học và xã hội nhân văn.
Về cơ sở vật chất, ngoài hệ thống giảng đường, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Ký túc xá sinh viên của Nhà trường, khoa ĐTVT hiện có 8 phòng thí nghiệm (PTN) và 02 xưởng thực hành. Các phòng thí nghiệm được trang bị các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ từ các hãng có uy tín như Labvolt (Canada); Agilent (Mỹ); De Lorenzo (Ý),…phục vụ trực tiếp các hoạt động thực hành, thí nghiệm và NCKH cho cán bộ và sinh viên.
Hoạt động Khoa học và chuyển giao công nghệ luôn được Khoa đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện nhằm phát huy khả năng chuyên môn của cán bộ cũng như rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Hiện nay bên cạnh nhiệm vụ học tập và NCKH trong trường, sinh viên còn có cơ hội tiếp cận sớm với các dự án thực tế mà cán bộ của Khoa đang triển khai. Do đó, sinh viên ra trường có khả năng thích nghi sớm với thế giới việc làm.
Một số lĩnh vực chuyển giao công nghệ thực hiện tại Khoa Điện tử Viễn thông.
Hoạt động của sinh viên luôn được Chi bộ, Ban chủ nhiệm khoa, Liên chi Đoàn (LCĐ), Liên chi hội sinh viên (LCHSV),… quan tâm và chỉ đạo sát sao. Các tổ chức đoàn thể như LCĐ, LCHSV đã tổ chức các hoạt động giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ngoài việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ còn là nơi để sinh viên rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Các câu lạc bộ học thuật như: CLB Robot, CLB Điện tử, CLB Tiếng anh,… đã có nhiều hoạt động thu hút đông đảo ĐVTN tham gia có kết quả cao.
Một số hoạt động của đoàn viên, thanh niên khoa ĐTVT.
3. Ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông - Cơ hội và trải nghiệm của Khoa học và Công nghệ
Ngành Kỹ thuật Điện tử, truyền thông (trước đây được gọi là ngành kỹ thuật Điện tử Viễn thông) là ngành sử dụng các công nghệ tiên tiến để tạo nên các thiết bị và phương tiện giúp cho việc trao đổi thông tin giữa con người được thuận lợi trong các điều kiện không gian và thời gian khác nhau.
Ngành Kỹ thuật Điện tử, truyền thông đào tạo, nghiên cứu và giảng dạy nhằm trăng bị cho người học các kiến thức từ lý thuyết đến thực tế của các trang thiết bị từ thiết bị vệ tinh, máy thu hình, điện thoại cố định, di động, máy tính cá nhân, máy tính bảng,… tới các thiết bị điện tử tích hợp có kích thước siêu nhỏ trong các hệ thống truyền thông, tất cả đã kết nối và hình thành nên hệ thống mạng truyền thông tin liên lạc toàn cầu.
Ngành Kỹ thuật Điện tử truyền thông đưa tri thức của loài người đến mỗi người và ngược lại, tạo ra một thế giới thân thiện và gần gũi nhau. Ở Việt Nam, ngành Kỹ thuật Điện tử, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Nhu cầu về nhân lực trong ngành hiện nay đang rất lớn.
Đào tạo kỹ sư có trình độ chuyên môn về lĩnh vực điện tử, truyền thông. Sinh viên có khả năng tiếp cận với công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến và nắm bắt được hoạt động của các mạng truyền thông hiện đại, qua đó có thể làm chủ được các trang thiết bị điện tử, thiết bị truyền dẫn đang được ứng dụng rộng rãi trong các mạng thông tin di động thế hệ mới, mạng thông tin quang, mạng thông tin vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu, …
Theo học ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông, người học có thể lựa chọn các chuyên ngành đào tạo hẹp như:
- Điện tử: Đào tạo chuyên sâu về thiết kế, chế tạo, vận hành và khai thác các thiết bị điện tử trong các hệ thống hiện đại.
- Kỹ thuật Viễn thông: Đào tạo chuyên sâu về các hệ thống mạng viễn thông hiện đại như mạng thông tin di động thế hệ mới, mạng thông tin quang, mạng thông tin vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống phát thanh - truyền hình, …
- Công nghệ và thiết bị di động: Đào tạo chuyên sâu về thiết kế, chế tạo, lập trình các thiết bị di động như máy điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị kỹ thuật số cá nhân PDA, thiết bị dẫn đường Navigation, thiết bị định vị GPS,…
4. Vị trí công tác và cơ hội việc làm sau khi tốt nhiệp
Sau khi ra trường, các Kỹ sư có thể làm việc trong các lĩnh vực sau đây:
- Các kỹ sư điện tử, truyền thông sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại các cơ sở về các lĩnh vực như: Điện tử; Viễn thông; Bưu điện; Đài phát thanh, truyền hình; các công ty cung cấp dịch vụ, sản xuất hoặc thiết kế giải pháp cho hệ thống viễn thông, internet; các trung tâm tính toán, truyền số liệu; các cơ sở bảo trì, bảo hành các thiết bị Điện tử, Tin học, Viễn thông; điện tử hàng không, hàng hải; điện tử y tế; …. và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, cụ thể:
- Các tổng công ty, tập đoàn Viễn thông, Truyền thông đa phương tiện, các công ty Viễn thông liên tỉnh, quốc tế, các cơ quan an ninh, quốc phòng, hệ thống các đài phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương,…
- Cục tần số vô tuyến điện, Cục ứng dụng CNTT, Cục CNTT và Thống kê hải quan, các vụ, viện liên quan đến lĩnh vực điện tử, truyền thông.
- Các phòng chức năng: Bưu chính viễn thông, Quản lý viễn thông, các sở Bưu chính viễn thông,...
- Các Viện nghiên cứu, các Trung tâm Thông tin, Trung tâm Viễn thông trên toàn quốc.
- Giảng dạy tại các Trường ĐH, CĐ, THCN nơi đào tạo Kỹ sư, Cử nhân và TCKT các ngành Kỹ thuật thuộc lĩnh vực điện tử, truyền thông.
Trong những năm vừa qua, sinh viên tốt nghiệp của Khoa ĐTVT có việc làm đạt tỷ lệ cao (~100%) tại hầu hết các hãng thông tin di động như Mobipone, Vinaphone, Viettel, Beeline, công ty viễn thông, các đài truyền thanh truyền hình, các công ty điện tử, nhà máy, xí nghiệp,... trong cả nước. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng tự học và nâng cao trình độ học vấn suốt đời và có khả năng tiếp tục học ở trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ.
5. Tuyển sinh năm 2015
Năm 2015, ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông (mã ngành D520207) tuyển sinh theo quy định của Trường Đại học Vinh (xem thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2015 của Trường Đại học Vinh tại: http://vinhuni.edu.vn/tuyen-sinh.html cụ thể xét tuyển các nhóm môn học sau đây: Toán học, Vật lý và Hóa học hoặc Toán học, Vật lý và Tiếng Anh.
Thông tin chi tiết xin liên hệ:
Khoa Điện tử Viễn thông, trường Đại học Vinh
Địa chỉ: Tầng 2, Nhà Ao, 182 Lê Dẩn, TP Vinh, Nghệ An
Điện thoại: (038) 3.856.956; 0913396780
Email: hunglt@vinhuni.edu.vn
Website: http://www.vinhuni.edu.vn