1. Giới thiệu chung về ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa:
- Mã ngành: D520216
- Tổ hợp môn xét tuyển: (Toán, Lý, Hóa) hoặc (Toán, Lý, Tiếng Anh)
- Thời gian đào tạo: 5 năm
- Tổng số tín chỉ toàn khóa học: 160
- Văn bằng được cấp: Kỹ sư Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa
Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là ngành công nghệ liên quan đến việc ứng dụng các kỹ thuật cơ khí hiện đại, kỹ thuật điều khiển và kỹ thuật máy tính vào việc vận hành và điều khiển quá trình sản xuất.
Ngày nay, khi nhu cầu và thị hiếu con người ngày càng cao, yêu cầu về số lượng và chất lượng của các sản phẩm xã hội cũng không ngừng tăng, điều đó đòi hỏi các dây chuyền sản xuất trong công nghiệp ngày càng hiện đại, có mức độ tự động hóa ngày càng cao với việc sử dụng các kỹ thuật điều khiển hiện đại có trợ giúp của máy tính. Hệ thống điều khiển và tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của các ngành kinh tế khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải,… Cơ hội nghề nghiệp của người làm việc trong ngành này là rất lớn.
Học tập trong ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa bạn được đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các hệ thống điều khiển và tự động hóa; hệ thống truyền động điện; hệ thống truyền thông công nghiệp, hệ thống đo lường thông minh,… Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, bạn có thể chọn những nơi làm việc phù hợp ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền sản xuất xi măng, dây chuyền sản xuất giấy, dệt, các dây chuyền xử lý nước thải,… hoặc bạn có thể vận hành, thiết kế hệ thống điều khiển và tự động hóa đèn giao thông thành phố.
Làm việc trong ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, bạn có điều kiện tiếp xúc với các máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại với trình độ cơ khí bậc cao, có điều kiện nghiên cứu các kỹ thuật điều khiển tiên tiến, sử dụng, vận hành hệ thống máy tính công nghiệp hiện đại. Với trí sáng tạo và niềm đam mê, bạn còn có thể trở thành tác giả thực sự của các hệ thống điều khiển và tự động hóa hiện nay ở Việt Nam.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết của một kỹ sư ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tương lai:
- Yêu thích kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực điều khiển và tự động hóa;
- Cần cù, ham học hỏi và nghiên cứu, tìm hiểu thiết bị;
- Sáng tạo trong công việc;
- Có khả năng tập trung cao độ và lòng kiên trì;
- Chủ động trong công việc;
2. Vị trí công tác và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp:
Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, sinh viên dễ dàng tìm được việc làm với mức lương tương đối với các vị trí như cao chuyên viên tư vấn, thiết kế, phân tích mô phỏng, vận hành kỹ thuật tại các nhà máy điện; công ty thương mại dịch vụ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; đảm nhận vai trò Giám đốc kỹ thuật, Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước về điều khiển và tự động hóa …
- Vận hành và bảo trì: bảo đảm vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điện, điện tử, tự động;
- Điện tử - Tự động hóa: vận hành bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động của các nhà máy, xí nghiệp;
- Chuyên gia hệ thống: phân tích nhu cầu về hệ thống điện, tự động hoá của các công ty, nhà máy;
- Chỉ huy các dự án: thiết kế các hệ thống tự động và tham gia thi công các dự án;
- Thiết kế: thiết kế các hệ thống tự động hóa cho nhà máy, xí nghiệp;
- Lập trình ứng dụng: lập các chương trình điều khiển cho hệ vi xử lý, PLC, CNC, các bộ điều khiển lập trình;
- Chuyên gia tư vấn cung cấp các tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực tự động, tham gia các chương trình huấn luyện nhân viên và giáo dục đào tạo;
- Giảng dạy tại các Trường ĐH, CĐ, THCN nơi đào tạo Kỹ sư, Cử nhân và TCKT các ngành Kỹ thuật thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hóa;
3. Giới thiệu về cơ sở đào tạo: Khoa Điện tử Viễn thông - Trường Đại học Vinh
Khoa Điện tử Viễn thông là một trong 18 khoa đào tạo của Trường Đại học Vinh. Hiện nay, khoa được Nhà trường giao phụ trách, tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo kỹ sư và nghiên cứu khoa học cho 2 ngành: "Kỹ thuật điện tử, truyền thông" và "Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa". Hiện tại, khoa có 24 cán bộ, trong đó có 3 PGS, 3 TS và 13 Th.S có đủ trình độ và nhiều kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Trong công tác giảng dạy, khoa có sự hợp tác với các cơ sở đào tạo lớn trong nước như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Học viện Kỹ thuật quân sự;… và có sự hợp tác với trường đại học, viên nghiên cứu nước ngoài để đào tạo bồi dưỡng cán bộ, thực hiện các đề tài KHCN như: CHLB Đức, Hàn Quốc, Nga, Ba Lan, Trung Quốc,…
Làm việc với công ty điện tử BSE Việt Nam Thảo luận với cán bộ nghiên cứu ở Đức
Tham quan thực tế tại Cục quản lý tần số, VNPT Nghệ An
Về cơ sở vật chất, ngoài hệ thống giảng đường, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Ký túc xá sinh viên của Nhà trường, khoa ĐTVT hiện có 8 phòng thí nghiệm (PTN) và 02 xưởng thực hành. Các phòng thí nghiệm được trang bị các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ từ các hãng có uy tín như Labvolt (Canada); Agilent (Mỹ); De Lorenzo (Ý),…phục vụ trực tiếp các hoạt động thực hành, thí nghiệm và NCKH cho cán bộ và sinh viên.
Phòng thí nghiệm Kỹ thuật điện tử Phòng thí nghiệm Kỹ thuật vi xử lý và PLC
Phòng thí nghiệm Kỹ thuật đo lường Phòng thí nghiệm Truyền động điện
Chương trình đào tạo của các ngành được xây dựng theo hệ thống tín chỉ, hình thức đào tạo tiên tiến với trung tâm là người học được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Chương trình đào tạo được xây dựng nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, toàn diện và hiện đại về khoa học, công nghệ điện tử, điều khiển, tự động hóa, tin học. Trong đó phần thực hành, thí nghiệm được quan tâm đúng mực, giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của kỹ thuật và công nghệ trong tương lai. Ngoài các kiến thức chuyên sâu của ngành đào tạo, các kỹ sư còn được trang bị tốt các kiến thức cơ bản về vật lý hiện đại, toán cao cấp và các kiến thức về khoa học và xã hội nhân văn.Về hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ luôn được khoa Điện tử Viễn thông đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện nhằm phát huy khả năng chuyên môn của cán bộ cũng như rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Hiện nay bên cạnh nhiệm vụ học tập và nghiên cứu khoa học trong trường, sinh viên còn có cơ hội tiếp cận sớm với các dự án thực tế mà khoa đang triển khai. Do đó, sinh viên ra trường có khả năng thích nghi sớm với thế giới việc làm.
Hệ thống điều khiển và giám sát từ xa Hệ thống điện dung năng lượng mặt trời
Hệ thống thông tin điện tử Giải pháp nhà thông minh (Smart House)
Thời gian học tập và rèn luyện 5 năm tại khoa Điện tử Viễn thông, các sinh viên luôn được sự quan tâm sát sao của Chi ủy, Ban chủ nhiệm khoa, Liên chi đoàn, Liên chi hội sinh viên và các tổ chức đoàn thể khác. Hoạt động của sinh viên luôn được Chi bộ, Ban chủ nhiệm khoa quan tâm và chỉ đạo sát sao. Các tổ chức đoàn thể đã tổ chức các hoạt động giúp sinh viên ngoài việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ còn là nơi để rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bên cạnh các hoạt động của Liên chi đoàn, Liên chi hội sinh viên các Câu lạc bộ như CLB Robocon, CLB Điện tử, CLB Tiếng Anh… đã có nhiều hoạt động thu hút đông đảo sinh viên tham gia có kết quả cao.
Sinh hoạt CLB Tiếng Anh Giao lưu với doanh nghiệp, nhà khoa học
Hội thi “Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp”
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của sinh viên
Thông tin chi tiết xin liên hệ: Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Vinh
Địa chỉ: Tầng 2, Nhà A0, 182 Lê Dẩn, TP. Vinh, Nghệ An
Điện thoại: (038) 3.856.956
Email: hunglt@vinhuni.edu.vn
Website: http://khoadtvt.vinhuni.edu.vn
Trưởng khoa: PGS. TS. Lưu Tiến Hưng (0913.396.780)