Hoạt động trải nghiệm là một hình thức dạy học đổi mới và hiệu quả, không chỉ gắn học đi đôi với hành mà còn tạo điều kiện cho các em học sinh được quan sát, chủ động, tích lũy tri thức nhiều chiều, phát triển tư duy sáng tạo, biết phân biệt cái tốt, cái xấu và để từ đó hình thành những nghĩa cử cao đẹp. Trên cơ sở đó, vào tháng 1/2019, trường Thực hành Sư Phạm – trường Đại học Vinh đã tổ chức hoạt động thiết thực này cho toàn thế học sinh khối 6 tại khu di tích văn hóa – lịch sử Truông Bồn (xã Mĩ Sơn – huyện Đô Lương) và làng Hoàng Trù, làng Sen – quê ngoại, quê nội Bác Hồ (xã Kim Liên – huyện Nam Đàn).

Tại điểm đến đầu tiên – khu di tích văn hóa – lịch sử Truông Bồn, trong không khí thiêng liêng, với những bó hoa tươi thắm, những nén hương thành kính, các em tỏ lòng biết ơn trước anh linh của những người anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ non sông đất nước. Các em được quan sát, tìm hiểu về lịch sử cha ông để hiểu hơn thực tiễn bi tráng của dân tộc đã từng diễn ra. Đồng thời, được nghe thuyết trình về khu di tích, được quan sát các lời giới thiệu ở văn bia, được trao đổi, tranh luận và thể hiện những cảm xúc của mình về lịch sử và con người.

Tạm biệt huyền thoại Truông Bồn, “chúng ta” tiếp tục cuộc hành trình về làng Hoàng Trù, làng Sen – quê ngoại, quê nội Bác Hồ. Nơi đây vẫn vẹn nguyên những nét đẹp riêng. Vẫn những bờ tre, hàng dâm bụt, hoa cau, hoa bưởi thơm nồng, những con đường đất nhỏ đơn sơ mộc mạc, đặc biệt là mái nhà tranh in dấu ấn thời gian nhưng không hề bị xiêu vẹo. Mọi kỷ vật vẫn còn đó, án thư nơi cụ thân sinh Bác vẫn thường dạy cho các con học, khung cửi - nơi người mẹ chịu thương, chịu khó tảo tần cả đời vì chồng vì con Hoàng Thị Loan vẫn ngồi dệt vải, phản gỗ nơi các nhà nho yêu nước thường đến bàn chuyện thời cuộc nước nhà với cụ Nguyễn Sinh Sắc… tất cả còn nguyên vẹn với thời gian. Toàn thể học sinh nghiêm ngắn, trật tự, lễ phép lắng nghe cô hướng dẫn viên thuyết trình về cuộc đời Bác Hồ, những lần về thăm quê, hành trình cứu nước truân chuyên và những hi sinh vĩ đại của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Qua đó, các em thực sự thêm hiểu, yêu, kính trọng Người.

Hoạt động trải nghiệm như cuộc dã ngoại lịch sử là một trong nhiều những hoạt động dạy học hiệu quả mà nhà trường đã thực hiện, khẳng định học tập trải nghiệm thực tế là cầu nối giữa thầy cô và học sinh, giữa học sinh với học sinh nhằm tạo nên sự gắn bó giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết trong nhà trường. Đồng thời, chuyến học tập trải nghiệm còn rèn cho các em những kĩ năng sống cần thiết như kĩ năng giao tiếp, ứng xử, kĩ năng tổ chức tham gia các hoạt động, …, giáo dục những giá trị truyền thống như lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển lịch sử, văn hóa, giáo dục của dân tộc ta.

Bài, Ảnh: Biện Trang (THSP)