Trong suốt tuần học vừa qua, các học sinh THCS luôn háo hức về việc Giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại trẻ em. Những câu hỏi tò mò luôn được các học sinh đặt ra với thầy, cô giáo. "Giáo dục giới tính là gì hả cô ?" hay "Tại sao lại phải giáo dục giới tính cho chúng em ?" là những câu hỏi thường gặp nhất. Và rồi cuối cùng, chiều 23/01/2018, các học sinh cấp THCS đã háo hức đến hội trường A - đại học Vinh để trả lời cho những câu hỏi thắc mắc của mình.
Mở đầu chương trình là màn văn nghệ giao lưu của các học sinh Tiểu học và THCS. Màn múa hát đã tạo nên không khí hào hứng ngay từ đầu với các bạn học sinh. Tiết mục văn nghệ cũng nhằm truyền tải thông điệp "Trẻ em cần được bảo vệ từ chính gia đình".
Tiết mục văn nghệ chào mừng của học sinh Tiểu học
Ngay sau đó là các bài học được giới thiệu bởi Chuyên gia, TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các bạn học sinh đã trả lời "Có" thật to khi cô Vũ Thu Hương hỏi : "Các bạn có thích học giáo dục giới tính không ?". Hãy cùng xem chúng ta được sinh ra như thế nào và giới tính được xác định như thế nào nhé?
Hình ảnh phôi thai đang dần hình thành
Câu hỏi và đoạn video mở đầu đã gợi nên sự tò mò của rất nhiều bạn học sinh. Không chỉ các bạn học sinh khối 8, mà ngay cả những học sinh khối 6, mặc dù có rất ít kiến thức cũng hào hứng thử sức với câu hỏi khó trên. Bạn Quỳnh Anh lớp 6C đã có câu trả lời chính xác và nhanh nhất : "Em bé trên màn hình mang giới tính nữ vì có các Nhiễm sắc thể XX, còn các bé trai là Nhiễm sắc thể XY". Thêm một video khác nữa về sự thụ tinh ở con người cũng nhận được sự quan tâm của các bạn học sinh. Thông qua video trên, các bạn học sinh hiểu được quá trình thụ thai ở Nữ giới, và chính vì vậy thấy được sự cần thiết của việc giáo dục giới tính.
TS. Vũ Thu Hương nói chuyện với một bạn gái về giới tính
Một trong những nội dung quan trọng của buổi học ngày hôm nay là phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em. Các bạn học sinh, nhất là ở lứa tuổi cấp 2, chính là đối tượng dễ bị lạm dụng và xâm hại tình dục nhất hiện nay. Theo chuyên gia Vũ Thu Hương, khoảng 80% số vụ xâm hại tình dục đã xét xử từ năm 2008 - 2013 có nạn nhân là trẻ em. Đó là chưa kể, theo điều tra của Tổ chức nhân đạo Quốc tế, có đến 78% số trẻ em Hà Nội khai nhận đã từng bị xâm hại giới (sàm sỡ, xâm hại hoặc có hành vi dụ dỗ trẻ dâm ô). Có lẽ con số này sẽ khiến cha mẹ giật mình và hoảng sợ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà nguyên nhân đầu tiên là đám trẻ không được trang bị kĩ năng phòng tránh xâm hại cho chính mình. Bọn trẻ ngày nay cũng không được dạy cách giữ khoảng cách đối với người khác giới. Cha mẹ cũng không khuyên nhủ con trẻ cách cư xử cho hợp lý, tránh ăn mặc hở hang hay cách đi đứng kín đáo, giữ gìn. Tất cả những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyện xấu xảy ra.
Cha mẹ cần dạy cho trẻ quỹ tắc bàn tay, theo đó, tâm vòng tròn trong lòng bàn tay dành cho người ruột thịt, trẻ được quyền vòng tay ôm hôn, bế ẵm, tắm rửa, ngồi vào lòng, ngủ chung. Vòng tròn tiếp theo dành cho người thân như họ hàng, thầy cô, bạn bè, họ được quyền nắm tay thân mật như xoa đầu, vuốt tóc, vỗ vai. Vòng tròn thứ 3 dành cho người quen, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ, trẻ được quyền bắt tay, chào hỏi trò chuyện. Vòng tròn thứ 4 dành cho người lạ, trẻ chỉ được vẫy tay chào, tạm biệt. Ngoài tất cả những vòng tròn này, cần dạy bé xua tay, không tiếp xúc, đụng chạm, nói chuyện, khi người lạ chạm vào bất cứ vùng nào trên cơ thể bé cần lên tiếng, tỏ thái độ như hét to, bỏ chạy hoặc nhờ người thân giúp đỡ.
Hình ảnh học sinh học cách tự vệ bản thân
Những tổn thương về thể chất và tinh thần với những bé gái bị xâm hại tình dục là không gì có thể bù đắp được. Nhưng nguy cơ bị xâm hại vẫn luôn rình rập trẻ nhỏ bất kể ở đâu và trong tình huống nào. Công tác đấu tranh chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không chỉ riêng của lực lượng Công an mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Gia đình và nhà trường cần phải vào cuộc để nâng cao công tác phòng ngừa, đề cao công tác tuyên truyền, nâng cao công tác quản lý giáo dục. Cha mẹ là người gần gũi với con cái nhất, cần quan tâm hướng dẫn và dạy các bé gái kỹ năng nhận biết khi gặp nguy hiểm, đặc biệt là cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ, đe dọa của đối tượng xâm hại để phòng tránh. Làm thế nào để khi các em nhận biết mình đang bị đối tượng có ý đồ xâm hại dụ dỗ, lôi kéo biết cách thoát thân cũng là cả một kỹ năng mà cần có và lớp học hôm nay đã tuyên truyền, hướng dẫn để phụ huynh và học sinh được biết.
Bên cạnh việc học cách tự vệ bản thân, các bạn học sinh cũng được tìm hiểu một số tình huống và luật bảo vệ trẻ em. Từ đó, giúp các bạn hiểu rõ hơn quyền của trẻ em, tự mình phòng tránh được những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Các tình huống và luật được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa nên dễ hiểu và dễ nhớ với các bạn học sinh.
Tình huống vụ án được đưa ra là: Một thanh niên năm nay 17 tuổi tên là Thành. Thành quen biết Trần Thị Thanh V qua tiệc sinh nhật của bạn thân, sau đó nảy sinh tình cảm. Thành và cô bé rủ đến nhà Thành để nói chuyện “tâm sự”. Lần thứ 2 gặp gỡ thì V là người chủ động rủ Thành đến nhà và đôi trẻ làm chuyện người lớn ngay tại nhà V. Liên tục những lần sau đó, Thành và V hẹn hò lúc thì về nhà Thành, lúc lại đến nhà Vân để được làm “chuyện ấy”. Chuyện vỡ lở và gia đình V đã tố cáo Thành với cơ quan công an. Do quá đam mê nên ngay cả khi cơ quan CSĐ đang thụ lý vụ án thì Thành vẫn tiếp tục tìm gặp V để hai đứa thuê nhà nghỉ “tâm sự” và làm chuyện vợ chồng. Trong lời khai của Thành, Thành thật thà nói: “Em cũng không biết mình làm như vậy là trái pháp luật chỉ nghĩ đơn giản là yêu nhau chân thật, rồi sau này cưới nhau vậy thôi”.
Với tình huống như vậy, điều 145 luật hình sự năm 2015 đã nêu rõ : Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục
khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người
nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác
với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định
tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm
tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10
năm:
a) Phạm
tội 02 lần trở lên;
b) Đối với
02 người trở lên;
c) Có tính
chất loạn luân;
d) Làm nạn
nhân có thai;
đ) Gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ
thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với
người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm
tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15
năm:
a) Gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Biết
mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
4. Người
phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc
nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Một tình huống vụ án đã được sân khấu hóa
Kết thúc vụ án đã nêu cũng là lúc kết thúc lớp học giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại ở trẻ em. Qua những kiến thức được học ngày hôm nay, chắc chắn các bạn nhỏ đã có thêm những trải nghiệm thú vị, biết cách phòng tránh những điều đáng tiếc luôn rình rập.
Tin bài : Lê Gia