Những chuyến xe xuất phát từ 7h tại cổng chính trường Đại học Vinh đã chở gần 400 học sinh cấp THCS của trường Thực hành Sư phạm tham quan, học tập tại các di tích lịch sử của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đó, hơn 120 em khối 6 đã đi tham quan tại các huyện Nam Đàn, Đô Lương của tỉnh Nghệ An. 

Điểm đến đầu tiên của Đoàn là quê ngoại và quê nội của Bác Hồ kính yêu. Tại đây, sau khi dâng hương, dâng hoa tại nhà tưởng niệm Bác, các học sinh được cô hướng dẫn viên nói chuyện, giới thiệu về những năm tháng sống tại quê nhà của Bác.

 

 

Các học sinh nghe nói chuyện về Bác Hồ tại Làng Hoàng Trù

Với cách kể chuyện hấp dẫn, giọng nói ấm áp, cô hướng dẫn viên đã chiếm được rất nhiều cảm tình của các bạn học sinh. Đặc biệt, các bạn học sinh sau khi nghe giới thiệu đã nắm được rất nhiều thông tin về cuộc sống tại quê nhà của Bác Hồ, từ lúc Người sinh ra cho đến những năm tháng Bác trở về thăm quê hương với cương vị Chủ Tịch Nước.

Cụm di tích Hoàng Trù, nằm gọn trong khuôn viên rộng khoảng 3500 m2, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là một ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại. Cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa. Gian giữa, sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quí của gia đình. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả nhà. Bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ Bác Hồ đã thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Tuổi thơ của Người đã được mẹ và bà ngoại chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa. 

Tới cụm di tích Làng Sen, Đoàn đã được vào thăm ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc do bà con làng Sen quyết định xuất quỹ công dựng lên để mừng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa. Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh. Nhân cách cao thượng của người cha và lòng nhân ái vị tha của người mẹ đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách các con của cụ Sắc. Hiện nay các kỷ vật trong gian nhà của cụ Sắc còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai. Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh, con gái cụ. Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. Tham quan khu di tích, du khách có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn về một làng quê Việt Nam, một làng quê xứ Nghệ, được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý; nhà của cụ đồ nho; nhà của một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc quanh nhà, hay nhà một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa, giã gạo... nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Bác; các di tích cây đa, giếng Cốc, sân vận động Làng Sen; Khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Những cảnh quan và hiện vật quá đỗi thân thuộc, dung dị của lũy tre làng, đường đất nhỏ, se sợi, khung cửi, bờ dâu... cùng các hiện vật trong khu di tích, gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.

 

 

 


Một số hình ảnh tại quê Bác

Từ quê Bác, các bạn học sinh lại lên xe di chuyển đến khu di tích lịch sử Truông Bồn tại huyện Đô Lương. Tại đây, đoàn cũng đã dâng hương hoa tại khu mộ tập thể của các Liệt sỹ và nghe thuyết minh về sự hi sinh anh dũng của các Anh hùng, Liệt sỹ.

 Dưới mái che khang trang trên diện tích chỉ vài chục mét vuông, đoàn khách lặng lẽ đứng quanh phần mộ tập thể của các Liệt sỹ. Trong số ấy, có những bạn đã được bố mẹ đưa tới khu di tích Truông Bồn, nhưng cũng không ít người bạn mới chỉ biết đến nơi đây qua sử sách.

Với giọng nói ngọt, ấm, đậm chất Nghệ, chị Nguyễn Thị Quỳnh, tổ trưởng tổ thuyết minh tại khu di tích Truông Bồn nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các bạn học sinh. Sau khi yêu cầu mọi người để điện thoại ở chế độ rung, chị nhẹ nhàng chỉ tay về phía trung tâm, nơi yên tọa của một phần mộ lớn, ốp đá đen xung quanh rồi gợi nhắc câu chuyện của 14 thanh niên xung phong 48 năm về trước.

Khi ấy, các Anh hùng Liệt Sỹ tuổi đời mới đôi mươi, căng tràn nhựa sống. Hầu hết trong số họ đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị xuất ngũ, có người đã có quyết định đi học, có người còn định cả ngày cưới... Tuy nhiên, những dự định, ước mơ đã tắt lặng trước trận bom ác liệt ngày 31/10/1968 khi chỉ cách thời điểm máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc 18 tiếng. 13 chiến sĩ của Tiểu đội 2 bất ngờ ngã xuống, chỉ may mắn một người còn sống sót.

"Em sắp được đi học rồi các chị ạ, chỉ ngày mai thôi", "Em không lấy chồng đâu, em ở lại với các anh, các chị mà", những câu nói vô tư, hồn nhiên, những ước mơ giản dị trước lúc hy sinh của các chiến sĩ Truông Bồn, được kể lại qua giọng nói nấc nghẹn của thuyết minh viên khiến ai nấy đều rưng rưng nước mắt.



Các bạn học sinh tập trung chuẩn bị làm lễ dâng hương

Sau khi dâng hương hoa tại phần mộ và đài tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ, các bạn học sinh được tham quan toàn bộ khu di tích. Nhìn thấy những hố sâu do bom Mỹ trút xuống, nhiều bạn không khỏi bàng hoàng trước sự tàn nhẫn của kẻ thù và thấy được rõ hơn sự hi sinh anh dũng, lòng quả cảm của các Anh hùng, Liệt sỹ nơi đây.



Các bạn học sinh lặng yên nghe kể về Huyền Thoại Truông Bồn



Bên cạnh một hố bom còn sót lại

 

Bức ảnh kỷ niệm Đoàn tại Truông Bồn

Sau giờ nghỉ trưa, các bạn học sinh được tiếp tục trải nghiệm tại Khu mộ thân mẫu Bác Hồ - Bà Hoàng Thị Loan. Tại đây, một lần nữa, các bạn học sinh được nghe thêm những mẩu chuyện cảm động về hình ảnh người mẹ Việt Nam tiêu biểu và  những câu chuyện xúc động về người mẹ vĩ đại này. 

Mộ bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) nằm trên núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hôm đoàn về núi dâng hương tưởng nhớ thân mẫu Bác Hồ, tiết trời mùa đông nhưng khá nắng gắt, tuy nhiên vẫn có hàng ngàn người dân từ khắp nơi hành hương về đây một cách thành kính.

Từ đỉnh núi nơi cất mộ bà Hoàng Thị Loan nhìn ra về hướng Tây Nam, xa xa là dãy núi Thiên Nhẫn, kế bên là làng Kim Liên quê nội, làng Chùa quê ngoại của Bác Hồ với núi Chung còn in dấu tuổi ấu thơ của Bác… Xa hơn nữa là dòng sông Lam chảy như sợi chỉ trắng vắt ngang trời in vào đáy nước một vùng đất "địa linh nhân kiệt" với những tên tuổi Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu và thế hệ sau này là Trần Phú, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai… và nhiều tên tuổi nhà cách mạng tiền bối khác…

Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm ở bên trái, cùng phía này còn có mộ bà Hà Thị Hy, bà nội của Bác Hồ cũng mới được tu bổ. Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà. Phía trên mộ là giàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước

Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà.

Bà Hoàng Thị Loan sinh thời đã hết lòng vì chồng con. Sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế đi thi, bà đã cùng chồng gồng gánh đi bộ với hai con trai vào kinh đô giúp ông học tập, nén lòng gửi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh ở lại Nghệ An để giúp chăm sóc ông bà ngoại Hoàng Xuân Đường. Ở Huế, bà đã lao động dệt vải vất vả, vắt kiệt sức nuôi sống cả nhà. Sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, do sự vất vả khó nhọc trước đó, bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1901 trong khi chồng và người con Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa. Ở Huế lúc ấy chỉ có Nguyễn Tất Thành 11 tuổi đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần.

Năm 1922, hài cốt của bà được người con gái cả Nguyễn Thị Thanh đưa về an táng tại vườn nhà ở Làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Cuối năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp quê hương Nam Đàn tìm nơi có phong cảnh đẹp để cải táng hài cốt của mẹ và lựa chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Vì nhiều lý do, ông Khiêm đã cho đào 9 huyệt mộ trên núi Động Tranh rồi đặt thi hài của mẹ mình ở đó một cách bí mật. Tháng 11-1946, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Khiêm mới chỉ cho bà con trong họ biết chính xác vị trí ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan.

Chuyến dã ngoại đến đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng. Qua mỗi điểm di tích lịch sử lại là một cảm xúc khác nhau, nhưng tất cả đều gợi lên tinh thần yêu nước, yêu quê hương của các bạn học sinh. Dù không nói ra thành lời, nhưng mỗi ánh mắt của các bạn học sinh đều lấp lánh niềm tự hào, tự hứa với mình sẽ học tập thật tốt, xứng đáng là con ngoan trò giỏi.

                                                                                                       Tin bài: Lê Gia; Ảnh: Sưu tầm