Cải cách giáo dục Việt Nam trong vài thập kỷ qua là từ luôn được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, năm nào cũng nghe có sự cải cách, vài năm lại cải cách lớn, nghe nhiều cũng thành quen và nhàm. Nhưng đúng là phải đặt địa vị là người trong cuộc mới thấy sức ảnh hưởng của nó như thế nào, lớn hay bé, tác động tiêu cực hay tích cực sau mỗi lần cải cách.
Tôi là phụ huynh có con vừa học xong chương trình lớp 3 tiểu học ở Hà Nội. Hôm vừa rồi họp phụ huynh, nghe thông báo kết quả học tập và thành tích của lớp học, các học sinh trong lớp, tôi đã thực sự thấy có một sự "cải cách" khá lớn đang diễn ra ở bậc tiểu học mà giáo viên vẫn hay gọi là "theo Thông tư 30" của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với những trăn trở mà rất nhiều bậc phụ huynh như tôi có cùng quan điểm, xin được chia sẻ cùng bạn đọc.
Trở lại cách đánh giá học tập trước đây, học sinh tiểu học ở thành phố có kết quả học tập rất cao. Một lớp khoảng 40-55 học sinh thì tỷ lệ đạt học lực giỏi rất lớn, phổ biến là trên 80-90%, lớp ít cũng 50%. Số còn lại là học sinh khá và chỉ có vài học sinh trung bình. Điều này có nói lên rằng, học sinh tiểu học bây giờ quá giỏi? Hay là các điểm số đó không đánh giá đúng năng lực học tập học sinh? Hay vì thành tích nên nhà trường và giáo viên có biện pháp để nâng cao điểm số cho các học trò?
Theo dõi quá trình học tập của trẻ, tôi có vài nhận xét mà nhiều bài viết đã nhắc đến như: Học sinh thành phố có môi trường và điều kiện học tập tốt, học nhiều, tính ganh đua cao, chơi ít... nên quả thực học mức trung bình khá hơn. Khi làm bài thi cuối kỳ, mặc dù có coi thi chéo, chấm chéo, nhưng đa phần các bài thi đã được thầy cô cho luyện trước hoặc làm mẫu trước, có trường hợp còn cho học thuộc trước nên kết quả bài làm tốt chiếm đa số là điều dễ hiểu. Với cách này, ưu điểm là tạo tâm lý học tập cho học sinh tốt, các em cố gắng chăm chỉ học tập, song nhược điểm là không phân tầng được học sinh giỏi xuất sắc.
Cách đánh giá học sinh tiểu học không chấm điểm bắt đầu thực hiện từ năm 2014-2015 có mấy điểm nổi bật: Không xét học sinh giỏi, khá và trung bình mà chỉ có 3 loại: Học sinh xuất sắc toàn diện; học sinh tốt toàn diện; học sinh đạt tốt từng mặt.
Theo như các giáo viên phổ biến, hiện nay điểm thi học kỳ không quá quan trọng (mặc dù có coi thi và chấm thi chéo) mà giáo viên chủ nhiệm sẽ căn cứ vào toàn bộ quá trình học tập của học sinh để đánh giá. Trường hợp thấy học sinh trong năm học khá, giỏi nhưng thi được điểm kém thì có thể đề xuất cho thi lại. Một học sinh thi học kỳ đạt điểm số cao song cả quá trình học tập không được đánh giá cao cũng không được đánh giá cao. Vậy các danh hiệu trên lấy ở đâu ra và căn cứ cơ sở nào thì đạt các danh hiệu đó?
Giải thích của giáo viên chủ nhiệm thì rất chung chung như: Giáo viên đánh giá học sinh trong cả năm học có kết quả tốt, thi cuối kỳ đạt kết quả khá, và quan trọng là trong cả năm học học sinh đó được giáo viên đánh giá là có hoạt động thi đua tốt, tham gia các phong trào sôi nổi (đóng góp giấy vụn, đóng góp vì người nghèo...), hoạt động văn thể tốt, có đi thi các cấp. Sau đó giáo viên đề xuất trước lớp, để cả lớp giơ tay biểu quyết và cho phép học sinh trong lớp có ý kiến phản đối hoặc đồng thuận.
Như vậy, với cách đánh giá trên nếu thực hiện tốt, công minh thì học sinh đạt các danh hiệu trên quả thực là những em xuất sắc hơn các bạn mình: Học tốt, hoạt động xã hội tốt và quan hệ tốt. Đây là một cách đánh giá hay và phân tầng rõ rệt. Một học sinh chỉ biết học và mặc dù học rất giỏi song sẽ không lọt vào danh sách trên. Nó tạo cho lứa tiểu học ngoài việc học cần năng động, chịu khó hoạt động xã hội và quan hệ tốt.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, đó là lý thuyết. Thực tế thì sao? Thực tế với cách đánh giá này, không căn cứ nhiều vào kết quả điểm số nên toàn bộ sự đánh giá cuối năm dồn hết cho giáo viên chủ nhiệm. Câu hỏi đặt ra là việc đánh giá không dựa vào điểm số nữa có bị tình cảm chi phối, liệu có theo cảm tính?
Việc coi thi chéo và chấm thi chéo còn có ý nghĩa nữa không khi điểm thi không quan trọng và nếu cần thiết giáo viên có thể cho phép học sinh làm bài thi lại? Ngay cả việc cho học sinh tiểu học giơ tay biểu quyết một học sinh trong lớp cũng gây ra vài trăn trở. Ở một khía cạnh khác là liệu cách đánh giá học sinh như vậy có tạo nên tiền lệ những học sinh học giỏi thuần túy sẽ không được đánh giá cao mà phải là các học sinh biết ca múa hát, hoạt động xã hội tốt, quan hệ bạn bè giáo viên tốt, dành được nhiều thiện cảm song không cần học thật giỏi, miễn là không quá tệ.
Với lần cải cách này, như đã nói ở trên mặt tích cực đã thấy rõ, mặt tiêu cực cũng rõ ràng, mong các bạn đọc phân tích thêm? Xin cảm ơn.
Phụ huynh Bùi Thúy Hoa