Sau đợt nghỉ dịch Covid-19 kéo dài, cấp Tiểu học trường Thực hành Sư phạm đã nhanh chóng có kế hoạch và triển khai thực hiện đầy đủ các tiết dạy chuyên đề, thực tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; đúc rút kinh nghiệm trong dạy học hướng tới các hoạt động giáo dục trong Nhà trường đạt hiệu quả toàn diện.

Hoạt động dạy học chuyên đề, thực tập đã được diễn ra vào chiều 20/5/2020 ở các môn học Kỹ năng sống, Âm nhạc, Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội với các nội dung hết sức phong phú: Giáo dục kỹ năng “Tự giác – Trách nhiệm”; Bài hát Chú voi con ở Bản Đôn; Rèn kỹ năng dùng từ đặt câu cho học sinh lớp 2 và Tìm hiểu “Con vật ở xung quanh em”. Buổi chuyên đề đã được tổ chức chu đáo với sự tham dự của cô giáo Đỗ Thị Hà – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng toàn thể giáo viên cấp Tiểu học.

          Trở lại trường học, việc hình thành và rèn luyện cho các em các kỹ năng tự phục vụ bản thân, có ý thức tự giác – trách nhiệm trong việc học, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, bảo quản đồ dùng cá nhân, cơ sở vật chất lớp học, … là những điều được nhà trường chú trọng thực hiện. Qua tiết kỹ năng sống “Tự giác và trách nhiệm” do cô Thu Thủy thể hiện, các bạn học sinh lớp 4A đã được rèn luyện các kỹ năng rất cần thiết qua các hoạt động nhóm, thảo luận, đóng vai xử  lí tình huống và từ đó các em biết vận dụng những kỹ năng đã học vào thực tiễn cuộc sống.


Học sinh đóng vai xử lí tình huống trong tiết kỹ năng sống

Bên cạnh tiết Kỹ năng sống đầy bổ ích, các em học sinh lại được hòa mình vào những nhạc điệu, lời ca vui tươi, rộn rã xua tan đi cái nắng nóng mùa hè oi ả. Các em được trở về với rừng núi, bản làng – nơi có chú voi con ngộ nghĩnh, đáng yêu giúp dân làng kéo gỗ. Cô giáo Hứa Thị Hải Yến đã làm sống dậy cả núi rừng khi giúp các trò đung đưa theo bản nhạc Chú voi con ở Bản Đôn.

 

Những nốt nhạc làm cho không khí của ngày hè trở nên sôi động

 

Học sinh hòa mình vào giai điệu bài hát “ Chú voi con ở Bản Đôn”

Tiếp nối những cảnh vật gần gũi, thân quen với cuộc sống con người, Cô Nguyễn Thị Hoài đã giúp các em học sinh lớp 1B có thêm những vốn hiểu biết về thế giới xung quanh, đặc biệt là hiểu biết về các con vật: con gà, con mèo,…qua tiết Tự nhiên và xã hội với chủ đề “Con vật quanh em”.

 

Các bạn học sinh lớp 1 đang say sưa khám phá các con vật  xung quanh mình

Đặc biệt, tiết dạy chuyên đề Tiếng Việt “Rèn kỹ năng dùng từ đặt câu cho học sinh lớp 2” đã được cô giáo Phạm Thị Thu thể hiện thành công với niềm hứng khởi của bao bạn nhỏ.

Dạy học Tiếng Việt nhằm hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển năng lực cho học sinh. Trong đó, năng lực ngôn ngữ, năng lực giao tiếp là hai loại năng  lực quan trọng nhất. Từ là đơn vị cơ bản của hệ thống ngôn ngữ, vốn từ càng đa dạng phong phú bao nhiêu thì khả năng lựa chọn từ chính xác và khả năng bày tỏ tư tưởng, tình cảm càng rõ ràng, đặc sắc bấy nhiêu. Vì vậy, việc bồi dưỡng cho học sinh thói quen dùng từ chính xác, giàu tính gợi tả khi viết câu văn, đoạn văn là rất cần thiết. Đặc biệt đối với học sinh lớp 2, khi vốn từ của các em đang được hình thành và phát triển thì việc bồi dưỡng vốn từ là nền tảng để các em có thể sử dụng thành thạo từ ngữ trong học tập và giao tiếp.

Thấy được tầm quan trọng của việc phát triển vốn từ cho học sinh, ngay từ đầu năm học, đội ngũ giáo viên đã chú trọng đến việc giúp học sinh phát triển vốn từ ngữ trong các giờ học Tiếng Việt, cũng như trong các hoạt động ngoại khóa.

 

Học sinh xác định các bộ phận của cây ăn quả

 

Học sinh thảo luận nhóm để tìm từ chỉ đặc điểm các bộ phận của cây

Với chủ đề cây cối, sau khi học sinh xác định đúng các bộ phận của cây ăn quả, giáo viên đã hướng dẫn cho học sinh tìm từ ngữ tả đặc điểm các bộ phận của cây bằng quan sát và trải nghiệm thực tế kết hợp với quan sát hình ảnh và vốn hiểu biết của các em. Học sinh làm việc theo nhóm để tìm ra những từ ngữ chỉ đặc điểm phù hợp với từng bộ phận của cây, từ đó có thể là từ chỉ đặc điểm về hình dạng, kích thước, đặc điểm về màu sắc, mùi vị, hương thơm,…Sau một thời gian thảo luận, các em đã tìm ra được rất nhiều từ ngữ phong phú và giàu tính gợi cảm như: rễ cây: cong queo, uốn lượn; thân cây: sần sùi, chắc nịch; cành cây: xum xuê… Ngoài những từ mà các em đã tìm được, giáo viên còn cung cấp thêm một số từ ngữ hay, giàu tính gợi tả và hệ thống lại các từ ngữ vào bảng giúp học sinh ghi nhớ từ một cách có chủ định. Sau khi đã có vốn từ về cây cối, các em sẽ sử dụng từ vào việc đặt câu. Để có câu văn sinh động, đòi hỏi học sinh phải dùng đúng từ ngữ kết hợp với việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa. Nhờ vốn từ ngữ đã có, kết hợp với trí tưởng tượng phong phú, các em đã đặt được những câu văn sinh động, giàu hình ảnh như: Thân cây to như cột đình, cành cây vươn dài như muốn ôm lấy bầu trời xanh thẳm; thân cây sần sùi, ấm áp như vòng tay mẹ…

Học sinh viết các từ tìm được vào phiếu thảo luận

Cuối cùng là hoạt động liên kết các câu văn thành đoạn văn. Nhờ việc tìm được các từ ngữ chỉ đặc điểm và đặt được câu văn giàu hình ảnh, học sinh chỉ việc liên kết các câu văn lại để trạo thành một đoạn văn hoàn chỉnh về một loài cây ăn quả.

Học sinh  thảo luận sôi nổi và chốt các từ hay sau khi đã quan sát thực tế


Học sinh đặt được các câu văn giàu hình ảnh

 

Học sinh quan sát thực tế kết hợp với vốn từ đã có để hoàn thành đoạn văn tả về cây cối.

Qua tiết học, vốn từ ngữ của học sinh được mở rộng thêm, các em còn biết lựa chọn những từ thật đặc sắc vào việc viết câu và viết đoạn văn. Nhờ đó năng lực sử dụng ngôn ngữ của các em cũng được phát triển.

Những tiết dạy chuyên đề, thực tập bổ ích trên đã góp phần giúp cán bộ giáo viên cấp Tiểu học trau dồi thêm năng lực chuyên môn. Cũng qua hoạt động này, các em học sinh được bồi dưỡng nhiều kiến thức ở các môn học khác nhau, từ đó phát triển toàn diện hơn năng lực học tập và vận dụng vào đời sống.

 

Người viết: Phạm Thị Thu

Ảnh: Nhiều nguồn