Trong thời gian gần đây, xâm hại trẻ em đang là nỗi lo rất lớn của các bậc phụ huynh, là vấn nạn nhức nhối đang được xã hội đặc biệt quan tâm.
Trước tình trạng con trẻ bị xâm hại liên tiếp trong thời gian qua, nhiều gia đình đã tự trang bị các kiến thức cũng như dạy các cháu một số kỹ năng cơ bản để phòng, chống bị xâm hại. Tuy nhiên, các cách giáo dục này mới chỉ dừng lại ở mức giúp các cháu tiếp cận vấn đề chứ chưa đi sâu về giáo dục giới tính hoặc kỹ năng bảo vệ bản thân, kỹ năng phát hiện người xấu, người tốt và người lạ để các cháu tránh và phòng ngừa nếu không may gặp phải. Ngoài ra, còn có nhiều gia đình chỉ dạy con cách quan sát khi sang đường, không sờ tay vào ổ điện, không trèo cao ... nhưng chưa chú tâm cách dạy con tự bảo vệ bản thân cho đến khi chúng đã lớn, hoặc đôi khi là quá muộn. Rất nhiều người chủ quan cho rằng, họ không hề nghĩ việc này có thể xảy ra với con cái của họ. Bởi vì chẳng bao giờ họ để con chơi với người lạ, các bậc cha mẹ này luôn cho rằng họ coi chừng, chăm sóc con cái rất cẩn thận. Trong khi thực tế, không phải ai cũng có thể kiểm soát được tất cả các hoạt động và những người tiếp xúc với con. Rất nhiều trẻ bị xâm hại đều sống ở những nơi có tình hình an ninh ổn định. Kể cả gia đình có nền tảng giáo dục tốt, học ở các ngôi trường tốt. Các cháu bị xâm hại trong thời gian vui chơi, giờ nghỉ ngơi, ngay sân sau nhà, bên nhà hàng xóm, trên đường đi học về,... Đáng buồn là phần lớn các trường hợp trẻ lại bị chính những người quen biết, ruột thịt của mình xâm hại.
Hiểu rõ được sự cấp thiết về vấn đề này, sáng ngày 22/1 trường Thực hành Sư phạm Đại học Vinh đã tổ chức chuyên đề: “Giáo dục Phòng chống xâm hại trẻ em” cho các em học sinh khối tiểu học do Tiến sĩ Vũ Thu Hương – Một chuyên gia hàng đầu về tâm lí giáo dục của Việt Nam đã trực tiếp đứng lớp.
Mở đầu buổi chia sẻ, TS Vũ Thu Hương đã giới thiệu đến các em học sinh những video hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu về sự hình thành và phát triển của một thai nhi, để từ đó các em nắm được kiến thức về giới tính.
Sự hình thành của một thai nhi được TS Vũ Thu Hương chuyển thành một video hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Bên cạnh đó, cô đã lấy ý kiến các em học sinh về tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay, đồng thời cô cũng nhấn mạnh thực trạng các vụ xâm hại trẻ em đang có những diễn biến rất phức tạp. Các bậc phụ huynh, nhà trường và chính các em cần trang bị và có các biện pháp chủ động phòng tránh vấn nạn này nhằm bảo vệ con em mình trước nguy cơ bị kẻ xấu xâm hại. Người lớn cần dạy cho trẻ các kỹ năng cơ bản và cần thiết để có thể thoát khỏi sự khống chế của kẻ xấu. Các kỹ năng này trẻ cần được cha mẹ và các thầy cô dạy thường xuyên, chứ không phải ngày một ngày hai. Thực tế sẽ diễn ra những tình huống vô cùng phức tạp, nếu trẻ được tập các bài học thoát thân và thực hiện một cách bình tĩnh thì khả năng thoát thân vẫn rất cao.
Nữ tiến sĩ đã đặt rất nhiều các tình huống để các em học sinh được luyện tập và xử lý linh hoạt. Một em học sinh bị một người lớn, lạ mặt đến gần rồi bất ngờ ôm vào bụng và bế thốc đứa trẻ lên để chạy, TS Thu Hương đặt câu hỏi cho các em: “Khi các con bị một người lạ mặt tiếp cận và ôm vào bụng từ phía trước và phía sau, các con sẽ làm gì? Cố gắng giãy giụa liệu có thoát thân được không?
TS Vũ Thu Hương hướng dẫn các em các cách thoát thân khi gặp kẻ xấu
Hay “Nếu một ngày trên đường đi học về nhà một mình, các con gặp một người lạ mặt và cho con một số đồ ăn như gói bánh, kẹo hay bất cứ thứ gì các con có được cầm không? Câu trả lời tuyệt đối không các con nhé. Bởi món đồ đó rất có thể là cái bẫy để dụ dỗ các con đi theo kẻ xấu đó. Hoặc giả định có một người lạ nói là bạn thân của bố mẹ cháu đến để đón cháu về, các con cũng tuyệt đối không được đi theo mà cần phải tìm đến sự trợ giúp từ những người lớn xung quanh như bác bảo vệ, chú công an…”- TS Vũ Thu Hương dặn dò các em học sinh.
Tại buổi chia sẻ TS Thu Hương cũng đã phát cho các em những tờ rơi có hình ảnh minh họa những cảnh báo để phòng tránh vấn nạn bạo lực và xâm hại trẻ em.
Những hình ảnh minh họa giúp các em ghi nhớ các nguyên tắc để phòng tránh bị xâm hại.
“Trong tất cả các mối quan hệ, chỉ có bố mẹ mới được phép ôm. Ông bà, anh chị em ruột thì được khoác vai chúng ta. Còn nếu là họ hàng xa thì chỉ được bắt tay, nhưng nếu là người lạ thì tuyệt đối không cho họ được tiếp xúc hay chạm vào người mình. Đồng thời các con cần xua tay từ chối những hành động đó khi có người lạ đến gần. Các con không được đi một mình khi trời tối, đường vắng và phải về nhà trước 21 giờ”, nội dung tờ rơi ghi rõ. Tiến sĩ Hương cũng cho biết, khi một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó có được chữa chạy về cơ thể cũng không thể hết được những nỗi đau về tâm hồn. Các em sẽ bị một vết sẹo lớn về tâm lý và trẻ như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó các em sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của chính mình. Vì thế, chính các bậc phụ huynh cần phải trang bị thật nhiều kỹ năng cho con trẻ để an toàn trước mọi nguy cơ bị xâm hại. Đồng thời, bố mẹ phải nhận ra tình trạng bất ổn của con khi có chuyện không hay. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là con bỏ ăn, tắm nhiều lần trong một ngày và phản ứng dữ dội với bố hay la hét khi bị người thân vô tình chạm vào vùng nhạy cảm. Nếu phát hiện con bị xâm hại, bố mẹ nên dỗ dành và kiên quyết báo vụ việc với cơ quan Công an. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy được bảo vệ và lấy lại tinh thần tốt hơn. Nếu che giấu sự việc không hề giúp đỡ con mà ngược lại, trẻ thấy mình bị cô lập và có thể có hành động dại dột.
Học sinh hào hứng, say mê tìm hiểu và trả lời các câu hỏi của TS đưa ra.
Có thể nói, buổi chia sẻ đã thực sự thu hút các em học sinh cũng như đông đảo các bậc phụ huynh tham gia. Thông qua đó, các em đã có những hiểu biết cơ bản về giới tính và các cách phòng vệ tránh bị xâm hại. Từ đó, giúp các em tự tin hơn và có những ứng xử khéo léo, hợp lý khi bắt gặp những kẻ “yêu râu xanh” trong cuộc sống hàng ngày.
Một số hình ảnh khác trong buổi giáo dục phòng chống xâm hại:
Tiết mục văn nghệ hết sức sôi động do các nghệ sĩ nhí trong Câu lạc bộ múa của trường Thực hành Sư phạm biểu diễn
Cả hội trường đều chú ý lắng nghe buổi nói chuyện của TS Vũ Thu Hương
Bài: Khánh Ly, Ảnh: Sưu tầm