Thực
hiện kế hoạch năm học 2018 – 2019 của phòng GD TP Vinh, chiều ngày 27/11/20128,
dưới sự chỉ đạo của Bán giám hiệu nhà trường, cấp Tiểu học Trường Thực hành Sư
phạm đã tiến hành tiết dạy chuyên đề “Dạy Tập làm văn cho học sinh lớp 4,5 theo hướng phát triển kĩ năng dùng
từ ngữ, hình ảnh…”.
Cùng tham dự tiết dạy, thảo luận và chia sẻ về chuyên đề có sự góp mặt của cô Đỗ
Thị hà – Phó hiệu trưởng nhà trường cùng toàn thể giáo viên cấp Tiểu học.
Về dự giờ với lớp học có sự tham dự của tất cả thầy giáo, cô giáo trong trường.
Có thể nói ở Tiểu học, môn Tiếng Việt có vai trò là nền tảng cho học sinh rèn luyện, trau dồi, phát huy vốn ngôn ngữ mẹ đẻ và là môn học góp phần quan trọng để học tập tốt các môn khác. Tiếng Việt còn là một trong số các ngôn ngữ hết sức phong phú, đa dạng và có sức biểu cảm, có tính thẩm mỹ cao, có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay.
Tập làm văn là một trong những phân môn của Tiếng Việt. Thông qua phân môn Tập làm văn, học sinh được rèn khả năng dùng từ ngữ chính xác, độc đáo để từ đó các em có thể viết được bài văn hay, giàu tính nghệ thuật, sử dụng từ để diễn đạt tình cảm của người viết phù hợp với đặc điểm thuộc tính của sự vật, hiện tượng. Ở bậc tiểu học khi các em đã đọc thông viết thạo ở giai đoạn lớp 2 - 3 thì việc rèn sử dụng từ ngữ để viết câu và đoạn văn hay bài văn ở giai đoạn lớp 4 - 5 là hết sức quan trọng. Trong khi đó biết cách sử dụng từ ngữ viết văn sẽ giúp ta truyền đạt đến người đọc những nội dung thông tin một cách có hiệu quả. Đó là một công cụ để tạo nên những bức tranh sinh động với những gam màu ấn tượng bằng ngôn ngữ. Nếu học sinh được rèn luyện kĩ năng dùng từ ngữ để viết văn thì các em dễ nhận ra được cái hay cái đẹp chứa đựng trong những yếu tố ngôn ngữ đối với từng cách dùng từ, đặt câu sao cho đúng, hay để miêu tả hình ảnh sự vật một cách sinh động gợi cảm như chúng đang hoạt động, đang nảy nở, đang sinh sôi và phát triển…. Đó cũng chính là mục tiêu chúng ta cần hướng tới khi dạy học sinh làm văn.
Các bạn tích cực xây dựng bài.
Tuy vậy, qua thực tế giảng dạy, chúng ta vẫn nhận thấy rằng học sinh cấp tiểu học nói chung và học sinh lớp 4,5 nói riêng vẫn còn hạn chế về vốn ngôn ngữ, từ ngữ. Mặc dù trong nói năng giao tiếp với các bạn bè hoặc thầy cô cũng có một số em sử dụng từ ngữ, diễn đạt lời văn tương đối tốt nhưng khi viết thành một đoạn văn, bài văn cụ thể thì các em còn lúng túng, đôi khi sử dụng sai từ ngữ, dùng dấu câu tuỳ tiện... Khi chấm bài thực tế giáo viên thường bắt gặp những bài văn của học sinh có nội dung chưa rõ ràng, dùng từ chưa chính xác, chưa hay, trùng lặp, dùng từ sai nghĩa, không phù hợp, không có giá trị gợi cảm… Tất cả, tất cả những hạn chế đó chính là nỗi trăn trở ngày đêm của “những người cầm phấn”.
Và dường như, nỗi trăn trở được đề cập ở trên đã phần nào được vơi đi sau khi các cô giáo được dự giờ, thảo luận và chia sẻ về tiết dạy chuyên đề “Dạy Tập làm văn cho học sinh lớp 4,5 theo hướng phát triển kĩ năng dùng từ ngữ, hình ảnh…” do đồng chí Nguyễn Ngọc Hồng thể hiện tại lớp 5A. Tiết dạy như một cánh cửa diệu kì giúp chúng ta tìm đúng hướng đi và nhắc chúng ta cần làm như thế nào để giúp các trò yêu của mình chạm tới kho tàng ngôn ngữ.
Cô giáo Ngọc Hồng hướng dẫn học trò vẽ bức tranh về đêm trăng đẹp bằng chất liệu ngôn từ.
Sau một thời gian không dài với sự tìm tòi không mệt mỏi kết hợp vốn kinh nghiệm giảng dạy của bản thân cùng sự hỗ trợ, đồng lòng của chị em đồng nghiệp, cô giáo Ngọc Hồng đã xây dựng được một tiết dạy chuyên đề đi đúng trọng tâm và khơi gợi được năng lực dùng từ ngữ, hình ảnh…từ người học. Với tính đa dạng và phong phú của thể loại văn tả cảnh, người dạy đã chọn “Cảnh đêm trăng” để hướng các học trò vẽ nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đến thơ mộng bằng những ngôn từ mà màu sắc lung linh của nó chính là các thủ pháp nghệ thuật. Cô giáo đã hướng dẫn học sinh của mình phát triển kĩ năng dùng từ qua hệ thống ba dạng bài tập cơ bản:
1) Bài tập làm giàu vốn từ.
2) Bài tập phát triển câu bằng biện pháp nghệ thuật so sánh và nhân hóa.
3) Hệ thống hóa vốn từ ngữ, hình ảnh và rèn kĩ năng viết đoạn thông qua bài tập viết đoạn văn.
Tiết học đã diễn ra rất sôi nổi với hoạt động thảo luận nhóm lớn để giải quyết bài tập 1 “Tìm từ để miêu tả trăng”. Không những các em đã tìm được nhiều từ ngữ chính xác mà mà một số từ ngữ còn rất hay và giàu hình ảnh.
Các bạn chủ động, tích cực với giờ học.
Ở bài tập 2, các em cũng đã rất tinh tế và giàu sức liên tưởng khi sử dụng những hình ảnh so sánh để đặt lại câu đã cho hay hơn.
Cùng thi tài xem nhóm nào tìm được nhiều từ hơn.
Đến với kết quả của bài tập 3, chúng ta không hết suýt xoa khi giọng văn của các cô bé, cậu bé cất lên. Mỗi một đoạn văn là một bức tranh nhỏ về đề tài đêm trăng và mỗi một em lại sử dụng một văn phong độc đáo không hề trùng lặp. Chính ngôn từ của các em đã đưa chúng ta hòa vào cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tươi đẹp và huyền diệu. Ánh trắng gắn bó với tuổi thơ, với quê hương và ánh trăng ấy cũng chính là ánh trăng ước mơ trong trái tim đang còn rung động…
Nào, chúng ta cùng theo dõi kết quả nhóm bạn.
Một tiết dạy gói gọn trong khoảng 40 phút, nhưng đã cho chúng ta thấy được sự miệt mài, say sưa của người giảng dạy; thấy được năng lực điều hành, hợp tác, tự giải quyết vấn đề của các học sinh. Và hơn hết, những hoạt động được diễn ra trong giờ dạy đã đi đúng hướng chuyên đề của tiết dạy học Tập làm văn theo hướng phát triển kĩ năng dùng từ ngữ, hình ảnh cho học sinh lớp 4,5.
Các cô giáo đang say sưa nhận xét, góp ý cho tiết dạy vừa rồi.
Kết thúc bài dạy, những ánh mắt của các giáo viên cũng như rạng ngời hơn. Tất cả đều vui mừng khi đã phần nào hiểu rõ hơn về chuyên đề. Những băn khoăn hay ý tưởng về tiết dạy đã được các cô nhiệt tình chia sẻ. Ai cũng nhận rõ tính hiệu quả của hệ thống bài tập được xây dựng, nắm rõ về quy trình tiết dạy và những kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm cần sử dụng khi áp dụng chuyên đề. Chỉ một mong muốn thôi, rằng: “Bằng ngôn từ, các em có thể tự mình “dệt tấm thảm” vừa mềm mại, vừa tinh tế, vừa chứa ẩn tình yêu… để rồi, các em sẽ như Aladdin được ngồi trên tấm thảm diệu kì bay đến phương trời đầy ước mơ, hạnh phúc!”
Viết bài : Nguyễn Thị Thu Trang ( GVCN lớp 5C)
Ảnh : Đặng Hòa