“Xuân về rực thắm cánh đào

Đung đưa trong nắng đón chào tết sang.”

Cánh đào nở thắm báo hiệu mùa xuân đã về - mùa của sự vui tươi, ấm áp và đoàn viên. Và trong mùa xuân xanh tươi ấy, chúng ta lại cùng nhau vui đón Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người dân Việt Nam. Những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt luôn được lưu giữ qua các hoạt động mừng xuân.

Trong không khí ấm áp, vui tươi khi mùa xuân vừa gõ cửa, cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Trường Thực hành Sư phạm - Đại học Vinh lại có hoạt đông trải nghiệm “Gói bánh chưng chào mừng năm mới” hết sức ý nghĩa dành cho toàn thể học sinh toàn trường.

Chiều ngày 7/2/2018, hoạt động trải nghiệm làm bánh chưng của cấp Tiểu học đã được diễn ra với niềm háo hức, phấn khởi của toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh cấp học. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường, Ban chỉ huy Liên đội và sự tham gia ủng hộ nhiệt tình từ phía giáo viên, học sinh và phụ huynh, hoạt động đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Chương trình của hoạt động trải nghiệm gồm 3 phần:

Phn 1: Chương trình văn nghệ.

Phn 2: T chc trò chơi dân gian: Bịt mắt đánh trống, Ăn táo trên dây.

Phần 3: Thực hành gói bánh chưng: Mỗi học sinh tự tay gói một cái bánh chưng .

Mở đầu chương trình văn nghệ, toàn thể các vị khách quý, các cán bộ giáo viên và phụ huynh toàn trường đã được xem màn múa hát tập thể “Ngày xuân Long Phụng sum vầy” hết sức đặc sắc của toàn thể học sinh tiểu học. Duyên dáng trong tà áo dài đủ màu sắc, đôi má ửng hồng bởi ánh nắng ấp áp của mùa xuân, miệng tươi vui các em vừa hát vừa nhảy múa thật đẹp! Những bàn tay xinh vẫy vẫy lên cao như những mầm xuân đang hướng về ánh mặt trời tỏa sáng.


Màn đồng diễn" Ngày xuân Long Phụng sum vầy" của học sinh toàn trường

Có tận mắt xem các em đồng diễn hát múa, ta mới cảm nhận hết được sức sống của mùa xuân. Sao mà nó vui tươi, rộn ràng đến lạ!

 Tiếp nối màn đồng diễn là những tiết mục múa hát cũng hết sức sôi động và đặc sắc từ các học sinh khối lớp 1,2. Kết thúc chương trình là tiết mục của các giáo viên Tiểu học.

 

 Tiết mục múa hát của học sinh Khối 1, Khối 2


Tiết mục văn nghệ chào xuân của giáo viên

Một phần hấp dẫn không kém đó chính là các trò chơi dân gian “Bịt mắt đánh trống” và “Ăn táo trên dây”. Qua phần chơi này, các em đã được thể hiện sự khéo léo cũng như khả năng vượt trội của bản thân. Dù có bạn thắng, bạn thua nhưng tiếng cười đã luôn rộn vang cả sân trường Thực hành Sư phạm. Nghe tiếng cười thỏa thích ấy, ta tưởng chừng như các em không thể vui hơn thế nữa…


Trò chơi ăn táo trên dây


Trò chơi bịt mắt đánh trống

Phần khởi động cho chương trình của các em đã khép lại trong không khí vui tươi để hướng đến phần đầy mong đợi nhất - Phần thi gói bánh. Đây cũng là phần không thể thiếu trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Nói đến Tết cổ truyền, không thể không nhắc đến bánh chưng. Từ bao đời nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại hào hứng chuẩn bị bánh chưng đón Tết. Cả gia đình quây quần gói bánh, ấm cúng bên bếp lửa hồng, canh nồi bánh chưng đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thuộc đối với mỗi người con đất Việt, là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

           Tết Nguyên Đán luôn đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt ta từ xưa đến nay. Trong những ngày tết ấy, việc chuẩn bị những món ăn ngày tết là hết sức ý nghĩa và quan trọng, đặc biệt những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, dưa hành… lại càng được chú trọng. Bánh chưng ngày tết là một phần trong văn hóa Việt, xuất phát từ những ngày đầu như một sợi chỉ xuyên suốt trong văn hóa Việt Nam từ lúc dựng nước cho đến tận ngày nay.

 Phong tục gói bánh chưng, bánh tét là để nhớ về cội nguồn cũng như cầu mong cho năm mới mọi thứ sinh sôi nảy nở (như hạt nếp), no đủ, mọi sự thành công, vuông tròn, tốt đẹp. Công việc gói bánh trải qua nhiều công đoạn, cần sự hợp tác của nhiều người, mỗi người phụ trách một khâu như rửa lá, lau lá, vo gạo, ngâm gạo, nấu đậu, ướp thịt... rồi lại cùng nhau ngồi trông nồi bánh, ôn chuyện cũ, bàn chuyện mới, sum họp đầm ấm. Ngoài ra, bánh chưng còn là một món quà tết ý nghĩa, trong những ngày Tết Nguyên đán, tặng nhau những món quà tết là bánh chưng bánh tét luôn được người Việt ta hết sức trân trọng và quý mến. Nó vừa thể hiện tấm lòng của người tặng, vừa thể hiện sự cầu chúc an lành đến người nhận.

Trong nhịp sống xô bồ hiện đại ngày nay, không ít người đã quên đi những nét đẹp văn hóa truyền thông đó, nhất là giới trẻ. Chính vì vậy, với mong muốn thắp lên niềm tự hào dân tộc, tấm lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, đặc biệt để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc, Ban tổ chức đã giúp các học sinh có một buổi trải nghiệm làm bánh chưng bổ ích và lí thú.

Nghe hiệu lênh của Ban tổ chức đưa ra, các lớp vội vàng chạy đến bàn nguyên liệu nhận về cho lớp mình. Học sinh các lớp di chuyển đội hình chữ nhật ngồi gấp lá, cắt lá, bỏ lá vào khuôn rồi nếp. đậu, thịt,… cứ thế được chuyền tay nhau thực hiện. Cảnh sân trường lúc này sao mà nhộn nhịp, đông vui đến thế! Như thế trước mắt ta đang hiển hiện một bức tranh xuân đầy sống động với đầy đủ màu sắc xinh tươi từ người và cảnh vật. Một bức tranh quá mới lạ bởi nhân vật chính trong tranh không phải là các nghệ nhân hay người lớn tuổi ngồi gói bánh mà là các cô bé, cậu bé của chúng ta đang thể hiện tài năng. Từng bàn tay bé nhỏ, trắng xinh của các em nâng niu từng chiếc lá, nhẹ nhàng bỏ từng phần nếp, đậu, thịt,… vào khuôn. Chắc hẳn rằng, các em đã phần nào hiểu được công sức của người làm bánh khi muốn làm nên một chiếc bánh đẹp và ngon. Và hơn thế nữa, các em sẽ biết quý trọng hơn từng hạt nếp, hạt đậu của người tạo nên nó, quý trọng hơn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Toàn trường tập trung gói bánh


Bạn nhỏ chăm chú cắt và gấp lá


Các bạn tự tay thực hành đổ nếp , đậu và bỏ thịt vào khuôn

Rồi thời gian cũng chạy ùa theo sự vội vã của các đội thi, chẳng mấy chốc nguyên liệu cũng đã hết, những chiếc bánh xanh tươi, vuông vức đã được hoàn thành. Chúng được các lớp bày biện lên mâm cỗ thật trang trọng. Mỗi một mâm cỗ có một vẻ đẹp khác nhau kết thành một cỗ lớn cho bánh chưng ngày tết. Ôi! Tự hào quá những bàn tay bé nhỏ! Tự hào quá về truyền thống Việt Nam! Các em đã làm nên một đấu ấn đậm nét không thể phai mờ dẫu năm tháng có trôi qua.


Những chiếc bánh được gói vuông vức, rất đẹp


Phần trưng bày của các lớp cũng thật là đặc sắc

Đó cũng chính là thử thách khó khăn mà Ban giám khảo phải vượt qua. Sau một hồi lâu, “những người cầm nân nảy mực” cũng đã đưa ra kết luận của mình dựa vào các tiêu chí đã đề ra.

               

Tất cả các lớp đều được nhận quà vì các em đều rất xuất sắc

Dù có lớp đạt giải nhất hay chỉ là khuyến khích thì tất cả vẫn vui mừng vì đã được tham gia một hoạt động trải nghiệm bổ ích và ý nghĩa như chiều hôm nay.

          Ngoài việc háo hức với trải nghiệm gói bánh, cuối buổi chiều các em còn say sưa xem thầy đồ viết câu đối và xin chữ

                                         

                                                        Các bạn nhỏ cũng rất say sưa ngắm thầy đồ viết chữ thư pháp

Chắc chắn rằng những khoảnh khắc chiều nay sẽ được chúng ta trân trọng và giữ mãi. Chúng ta sẽ càng tự hào hơn về văn hóa ngày Tết của dân tộc Việt Nam:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.”

 

Hy vọng rằng mùa xuân sau các em sẽ phát huy tốt những gì hôm nay đã làm được.

 

 

                                                                                Tin, Bài: Thu Trang- GVCN lớp 2D, Ảnh nhiều nguồn