Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2017) và 28 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2017), sáng ngày 21/12 học sinh cấp tiểu học Trường Thực hành Đại học Vinh đã tổ chức chuyến trải nghiệm tham quan tìm hiểu “Về nguồn” tại bảo tàng Quân khu IV.
Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bảo tàng Quân khu 4 thành lập ngày 22/12/1966, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật quân sự vùng Bắc Trung Bộ.
Đến tham quan Bảo tàng Quân khu 4, các em học sinh đã xúc động bồi hồi khi được đứng nghiêm trang trong giây phút dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh quên mình vì tổ quốc; rồi các em lại háo hức, hân hoan khi được tham quan không gian trưng bày ngoài trời với nhiều hiện vật như máy bay, tên lửa,bom… những hiện vật gắn liền với quá trình chiến đấu oanh liệt của Quân đội Việt Nam. Được chứng kiến tận mắt những hiện vật, di vật, ảnh, tư liệu lịch sử,….. Đây là nơi lưu giữ hơn 10 nghìn hiện vật và hình ảnh của quân và dân ta. Thông qua sa bàn về vị trí chiến lược của địa bàn Quân khu 4 các em được thấy rõ những đặc điểm về điều kiện tự nhiên và truyền thống lịch sử của vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Một địa bàn luôn có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng không chỉ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà cả nhân dân 3 nước trên bán đảo Đông Dương. Chính vị trí chiến lược đó đã chi phối những nhiệm vụ lịch sử của quân và dân trên dải đất này qua các thời kỳ cách mạng.
Cô giáo Đặng Lê Na- Phó HT nhà trường và đại diện học sinh dâng hương
Các em học sinh còn được hiểu rõ hơn về tội ác dã man, tàn bạo của quân xâm lược và sức mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ trên địa bàn Quân khu 4 dưới lời kể hào hùng mà sâu lắng của cô thuyết minh và thông qua những di vật lịch sử như: mảnh đạn pháo 406mm do tàu chiến Mỹ bắn vào bờ biển Vĩnh Kim - Vĩnh Linh - Quảng Trị năm 1968; thùng đựng chất độc, đôi guốc cháy sém của những em nhỏ bị bom Mỹ giết hạt; khẩu súng trường K44 của đội quân xã Diễn Hùng - Diễn Châu - Nghệ An, nơi đầu tiên dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ; chiếc mái chèo của mẹ Suốt đã chở nhiều đoàn quân qua dòng Nhật Lệ dưới bom đạn kẻ thù; Các hiện vật, hình ảnh của công binh dân quân, công binh chủ lực, TNXP, dân công vượt qua mưa bom, bão đạn sẵn sàng hy sinh để bảo đảm giao thông chi viện ra chiến trường… Lắng đọng trong lòng mỗi người là hình ảnh anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với khẩu pháo cao xạ 37mm của Đại đội 3, lá cờ chỉ huy và con dao gấp anh nhờ đồng đội cắt phần da thịt ở bắp đùi bị thương cho khỏi vướng để tiếp tục chỉ huy chiến đấu với lời hô vang vọng “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Hay như mô hình địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh) đã đi vào huyền thoại với hơn 2km chiều dài ở độ sâu 20 - 28m dưới lòng đất, là nơi ở, hội họp, kho tàng, căn cứ hậu cần của nhân dân mà bom đạn của kẻ thù đã không khuất phục nổi. Ngã ba Đồng Lộc, địa danh gắn liền với 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh anh dũng trên trận tuyến giao thông vận tải như hiện hữu với chiếc ống nhòm của anh hùng La Thị Tám, tay lái xe ủi C100 từng gạt bom thông đường với người công nhân giao thông Uông Xuân Lý, bộ dụng cụ phá bom của “vua phá bom” Vương Đình Nhỏ… Tất cả đã làm nên bản anh hùng ca bất khuất, anh dũng… mà khi các em tham quan đã không khỏi trầm trồ, thán phục trước sự phi thường cúa những người con ưu tú của dải đất miền Trung.
Các em học sinh háo hức xem những bức ảnh trong bảo tàng
Học sinh chăm chú nghe thuyết minh
Nhiều bạn vừa quan sát, vừa ghi chép cẩn thận
Em tập làm pháo thủ
Học sinh xem giới thiệu về sa bàn
Bạn Trúc Lâm lớp 2C đã có nhiều cảm xúc về chuyến đi, bạn cho biết: “Em rất thích chuyến tham quan Bảo tàng Quân khu 4, chuyến đi đã mang đến cho em những hiểu biết mới mẻ và thực tế. Buổi học hôm nay rất bổ ích, chúng em cảm ơn nhà trường và các thầy cô đã tạo điều kiện cho em và các bạn được đến đây học tập”. Kết thúc chuyến tham quan học tập, các bạn học sinh trường Thực hành sư phạm đã thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích, những kiến thức này đã được các em đã ghi chép thật cẩn thận và sẽ được viết thành bản thu hoạch ở trên lớp. Chia tay bảo tàng các bạn học sinh mong muốn sẽ được quay trở lại tham quan học tập nhiều hơn nữa.
Em Trúc Lâm- Học sinh lớp 2C chia sẻ cảm xúc về chuyến trải nghiệm
Có thể nói, việc chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh của nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại các địa chỉ đỏ đã giúp cho các em hiểu rõ hơn về quá khứ vẻ vang, hào hùng của dân tộc, của các bậc tiền nhân đi trước đã hi sinh để bảo vệ và gìn giữ chủ quyền Tổ quốc. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, biết trân trọng, biết ơn những thế hệ cha anh, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Các em học sinh hát múa: " Cảm ơn chú bộ đội"
Bài:Khánh Ly, Ảnh: Thu Thủy