Hiện nay, dạy học theo hướng trải nghiệm sáng tạo là một trong những phương pháp dạy học hiệu quả theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngay từ đầu năm học 2020 -2021, Trường Thực hành Sư phạm Đại học Vinh đã rất chú trọng đến rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là lồng ghép, tổ chức các hoạt động trải nghiệm vào các hoạt động dạy học. Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát chương trình dạy học, tìm hiểu các tiết học để có thể tổ chức dạy học hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

        Thực hiện sự chỉ đạo của nhà trường, kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn, Tổ Tiểu học 2 đã tổ chức thành công chuyên đề “ Dạy học Tập làm văn theo hướng trải nghiệm, sáng tạo” với nội dung bài dạy “ Luyện tập quan sát cây cối” do cô giáo Nguyễn Thị Hương thể hiện.

    Đặc thù lứa tuổi tiểu học chủ yếu tiếp thu kiến thức thông qua tư duy trực quan sinh động. Vì vậy, việc cho các em tiếp xúc và trải nghiệm qua các hoạt động thực tế là hết sức quan trọng. Đối với môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng, muốn các em phát triển được vốn từ thì người giáo viên nên tạo cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, để sự trải nghiệm có thêm nhiều bổ ích, giáo viên cần có những định hướng giúp các em biết cách quan sát và quan sát một cách khoa học.

    Tiết dạy được cô giáo chuẩn bị rất chu đáo và hấp dẫn ngay từ khâu trang trí lớp học. Các em được học với không gian ngoài trời, xung quanh tràn ngập sắc xanh của lá và những sắc màu rực rỡ của hoa.

 

Khung cảnh thoáng đãng nhưng không kém phần hấp dẫn.

Tiết dạy diễn ra với bốn hoạt động chính:

Hoạt động 1: Khởi động

Hoạt động 2: Trải nghiệm

Hoạt động 3: Sáng tạo

Hoạt động 4: Thực hành- Vận dụng.

    Đất trời như rạo rực hẳn lên khi khí trời ấm áp của mùa xuân đã xua đi cái u ám của những ngày đông giá rét, vạn vật và cây cối trong vườn trường như được hồi sinh. Những mầm non xanh tươi, mập mạp của cây xoài, cây phượng đua nhau bung ra, khoe với đất trời những bộ quần áo mới. Hôm nay, chúng sẽ được thỏa niềm kiêu hãnh, thể hiện mình dưới ánh nhìn, trên những nét chữ ngây thơ, trong sáng của các bạn học sinh.

     Mở đầu tiết học, các em đã có một khởi động rất vui nhộn mang tên “ Gọi tên giác quan”. Ngoài mục đích tạo sự vui vẻ, hứng khởi, trò chơi còn nhắc nhở các em sử dụng nhiều giác quan khác nhau khi quan sát một sự vật nào đó.

 

 

Đố các bạn biết, mình đang muốn nói tới giác quan nào?

   Sau phần “Khởi động” đầy thú vị và bổ ích, các em bước vào hoạt động “Trải nghiệm” với nhiều khám phá đang chờ đón. Các nhóm được giao nhiệm vụ quan sát một số loài cây có trong vườn trường và hoàn thành phiếu quan sát theo yêu cầu. Khuôn mặt bạn nào cũng rạng rỡ, đầy háo hức di chuyển theo nhóm về vị trí quan sát.

 

Ngoài màu nâu, thân cây còn có những đặc điểm gì nhỉ?

 

Những đóa hồng nở bung trong nắng!

 

Những nụ cười giòn tan!

 

Được trải nghiệm quan sát, chúng minh nhanh tay viết vào phiếu quan sát thôi!

    Những trải nghiệm thú vị đã kết thúc, các nhóm trở về vị trí báo cáo kết quả của nhóm mình dựa trên sự sáng tạo của cả nhóm. Mỗi nhóm một ý tưởng riêng nhưng nhóm nào cũng đều rất chăm chú và hoạt động tích cực. Hoạt động “Sáng tạo” diễn ra có vẻ như rất hồi hộp vì ai cũng tò mò xem nhóm bạn thể hiện kết quả quan sát như thế nào.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thật thú vị khi chúng mình được thỏa sức sáng tạo.

   Thật bất ngờ khi sự sáng tạo của các em được thế hiện trên các sản phẩm của nhóm mình. Có nhóm chọn sơ đồ tư duy dưới dạng các hình ảnh, màu sắc để minh họa, một số nhóm chọn sơ đồ tư duy dưới dạng các từ ngữ được phân nhánh, có nhóm chọn hình thức đóng vai,…Mỗi nhóm một sắc màu, chúng ta cùng chờ đón phần trình bày của các nhóm nhé!

   Nhóm quan sát cây xoài rất tự tin khi trình bày kết quả bằng những hình vẽ minh họa đặc sắc nhưng không kém phần đáng yêu. Bác xoài già thân quen ngày ngày làm bạn với sân trường lúc này hiện lên thật sinh động, gần gũi dưới những nét vẽ ngây thơ, trong sáng của các em..

 

Các bạn cùng nghe nhóm mình giới thiệu về cây xoài nhé!

    Đã bao giờ bạn xao xuyến trước màu sắc của những bông hoa hồng đang đương độ chào xuân? Bạn đã bao giờ đi giữa cánh đồng hoa vào độ rực rỡ nhất? Nếu chưa có những trải nghiệm đó thì bạn hãy cùng chúng tôi dạo bước và trải nghiệm ngay giữa sân trường Thực hành Sư phạm nhé!

 

Cây hoa hồng hiện lên thật đẹp, thật chân thực!

 

Mình cùng góp ý cho nhau để hoàn thiện hơn nhé!

   Sau phần trình bày đầy thuyết phục của các nhóm bạn, những từ ngữ rất hay, giàu hình ảnh được thể hiện, cả lớp càng hào hứng và tò mò khi nhìn thấy hình ảnh nhóm bạn chuẩn bị trang phục, đạo cụ cho phần đóng vai. Những lời thoại gắn ngọn, đáng yêu nhưng rất cô đọng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí các em.

 


Phần thể hiện đầy sáng tạo của các em.

     Các em đã rất xuất sắc, tự tin thể hiện kết quả của nhóm mình bằng tiểu phẩm

Cây phượng vĩ”.  Mỗi bạn đóng vai một bộ phận, tự giới thiệu về những đặc điểm của mình. Chắc hẳn sau phần thể hiện đóng vai này, các bạn ngồi dưới quan sát, lắng nghe sẽ dễ dàng nhớ về những bộ phận của cây phượng cũng như các đặc điểm nổi bật của mỗi bộ phận đó để khi các em viết đoạn văn hay bài văn sẽ không còn lúng túng nữa.

    Qua hoạt động “Sáng tạo”, chắc hẳn, các em đã trau dồi thêm cho mình được rất nhiều vốn từ, tự tin hơn khi làm văn về miêu tả cây cối.

   Ở hoạt động “Thực hành- Vận dụng”, các em được thực hành viết đoạn văn miêu tả về một loài cây em đã có dịp quan sát. Ai ai cũng say sưa với những câu văn hay, giàu cảm xúc trong sổ tay của mình.

 


 


 


 

Các em chia sẻ cùng cô giáo những khó khăn khi gặp lỗi diễn đạt

 

Chúng mình đã hoàn thành đoạn văn rồi!

Một số đoạn văn của các em học sinh lớp 4D trong tiết học chuyên đề:

 

Đoạn văn tả cây phượng vĩ của em Phan Tường Minh – HS lớp 4D

 

  Đoạn văn tả cây hoa hồng của em Trương Thanh Trà – HS lớp 4D

 

 Đoạn văn tả cây xoài của em Nguyễn Ngọc Hân – HS lớp 4D

   Giờ học Tập làm văn trở nên thật nhẹ nhàng không có chút gò bó, các em thực sự được sáng tạo theo khả năng và trí tưởng tượng của mình. Và cứ như vậy, vốn từ của các em dần được nâng lên, khả năng miêu tả tốt hơn, sáng tạo hơn và quan trọng là trong câu văn, đoạn văn hay bài văn của mỗi học sinh đều có nét riêng, có cảm nhận riêng về sự vật được miêu tả. Tôi tin chắc rằng chất lượng học tập phân môn Tập làm văn nói riêng và chất lượng học tập của học sinh trường Thực hành Sư phạm Đại học Vinh nói chung sẽ ngày càng nâng cao khi tất cả giáo viên chúng ta đều biết khéo léo kết hợp các phương pháp dạy học, vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học.

    Nắng đã nhạt dần, tiết học khép lại trong niềm vui, sự hứng khởi của các em học sinh. Hôm nay, các em không chỉ có những trải nghiệm tuyệt vời cùng bạn bè và cô giáo mà còn được thỏa sức sáng tạo, học hỏi vô vàn điều hay. Hi vọng, dưới mái trường Thực hành Sư phạm Đại học Vinh, các em sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và bổ ích, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và trí tuệ, xứng đáng với sáu chữ vàng truyền thống của học sinh trường Thực hành Sư phạm Đại học Vinh “ Tự chủ- Đam mê- Sáng tạo”.

 

                                                                 Tin bài: Nguyễn Hương- GVCN lớp 4D

                                                         Ảnh: Nhiều nguồn