Với quan điểm, xây dựng chương trình giáo dục học sinh phát triển toàn diện, dạy học gắn liền với thực tiễn. Từ lâu, trường Thực hành Sư phạm đã rất chú trọng trong công tác chuyên môn, giáo dục học sinh. Một trong những nội dung quan trọng mà tập thể cán bộ, giáo viên luôn trăn trở, tìm tòi đó là tìm ra những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp, đảm bảo mục tiêu dạy học đồng thời phát triển các kỹ năng, năng lực cho học sinh, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.
Ở bậc Tiểu học, Tiếng Việt là môn học có vai trò rất quan trọng. Mỗi phân môn đảm nhận những mục tiêu khác nhau, trong đó Tập làm văn là một trong những phân môn được quan tâm nhiều nhất, chiếm thời lượng lớn trong môn tiếng Việt. Dạy học Tập làm văn nói chung và dạy học văn miêu tả nói riêng là vấn đề mà chúng tôi có rất nhiều trăn trở. Để dạy học văn miêu tả có hiệu quả thì việc rèn kĩ năng quan sát co học sinh là một trong những kỹ năng đặc biệt quan trọng. Nội dung chương trình văn miêu tả ở tiểu học giúp HS có thói quen quan sát, biết phát hiện những điều mới mẻ, thú vị về thế giới xung quanh; biết truyền những rung cảm của mình vào đối tượng miêu tả; biết sử dụng những từ ngữ có giá trị biểu cảm, những câu văn sáng rõ về nội dung, chân thực về tình cảm. Một bài văn hay là một bài văn mà khi đọc, người đọc thấy hiện ra trước mắt mình: con người, cảnh vật, đồ vật,…cụ thể, sống động như nó vẫn tồn tại trong thực tế cuộc sống. Như vậy, có thể xem văn miêu tả là một bức tranh về sự vật bằng chất liệu ngôn từ.Để làm một bài văn miêu tả hay, sống động, đòi hỏi học sinh biết quan sát trực tiếp đối tượng miêu tả nhiều lần và bằng nhiều giác quan khác nhau như thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác… nhằm giúp các em nhận biết về cảnh đầy đủ, chính xác hơn từ đó mỗi bạn có cách nghĩ, cảm cảm nhận sự vật riêng, tìm được các đặc điểm nổi bật, phù hợp với các đối tượng cần miêu tả. Quan sát luôn gắn với sự tìm ý và tìm từ ngữ để diễn tả. Để giúp quan sát và tìm ý, mỗi đề bài phải có hệ thống câu hỏi gợi ý nội dung quan sát và các ý được lập, sau đó học sinh sẽ ghi lại tỉ mỉ chi tiết, đặc điểm mà mình vừa “mắt nhìn, tai nghe và cảm nhận” đó. Nếu không thực hiện tốt bước quan sát thì sẽ không có chất liệu để làm văn, từ đó học sinh sẽ không có hứng thú làm bài, rập khuôn máy móc, thiếu chân thực hoặc sao chép bài văn mẫu.
Tuy vậy, qua thực tế giảng dạy, chúng ta vẫn nhận thấy rằng học sinh cấp tiểu học nói chung và học sinh lớp 4,5 nói riêng vẫn còn hạn chế về kĩ năng quan sát. Mặc dù trong cuộc sống hàng ngày các em quan sát và nhận biết được một số đặc điểm cơ bản của sự vật nhưng để tìm được từ ngữ phù hợp, gợi tả nói lên đặc điểm của đối tượng miêu tả và diễn đạt bằng câu văn, đoạn văn, bài văn cụ thể thì các em còn lúng túng, thiếu tính chân thực... Khi chấm bài thực tế giáo viên thường bắt gặp những bài văn của học sinh dùng từ chưa chính xác, từ không có giá trị gợi tả, gợi cảm, thiếu cảm nhận riêng, chưa biết sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt câu để làm nổi bật vẻ đẹp của cảnh và những điều mình mong muốn truyền tải đến người đọc… Những hạn chế đó là nỗi trăn trở của mỗi giáo viên chúng tôi.
Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, giúp học sinh phát triển kĩ năng viết văn miêu tả. Nhà trường đã tổ chức chuyên đề“Quan sát trong văn miêu tả” do cô giáo Nguyễn Thị Hương thể hiện tại lớp 5A. Tiết dạy như nút mở tháo gỡ những boăn khoăn đồng thời xây dựng quy trình chuẩn, có tính liên kết từ khối lớp 2 đến khối lớp 5 trong dạy học văn miêu tả.
Không khí lớp học sôi nổi, bạn nào cũng tích cực xây dựng bài
Tập thể GV tổ Tiểu học 2 đã cùng thảo luận, xây dựng nội dung, tiến trình bài dạy một cách chi tiết, tỉ mỉ. Chuyên đề đi đúng trọng tâm và phát triển kĩ năng quan sát hướng tới dùng từ ngữ, hình ảnh…từ người học. Với tính đa dạng và phong phú của thể loại văn tả cảnh, người dạy đã chọn “Tả quang cảnh trường em vào một buổi sáng đẹp trời” để hướng các học sinh quan sát các sự vật quen thuộc mà hàng ngày các em vẫn “phớt lờ” hay “thờ ơ” với những điều gần gũi xung quanh.
Để viết được đoạn văn tả quang cảnh ngôi trường hay và sinh động,trước đó các em đã có tiết học ngoài trời bổ ích. Các em đã quan sát các sự vật thân quen như cổng trường, hàng cây, hoa, cỏ, tia nắng, dãy phòng học, hoạt động của các bạn học sinh, cô giáo…và ghi lại tỉ mỉ, chi tiết các đặc điểm đó bằng các từ ngữ gợi tả.Các bạn vui và thích thú khi được hòa mình vào thiên nhiên, được sờ từng ngọn cỏ xanh mướt còn đọng những giọt sương mai trắng muốt, được ngửi những hương thơm dìu dịu của những bông hoa đang vươn mình khoe sắc, được nghe những âm thanh trong trẻo của muôn loài, được viết nên những cảm xúc của riêng mình… và hơn hết được tận hưởng hương vị thiên nhiên của cuộc sống thân quen, cảm nhận cái hay, cái đẹp từ đó vẽ lại quang cảnh ngôi trường vào buổi sáng đẹp trời bằng chất liệu ngôn từ chân thực...
Mái trường THSP yêu dấu mới đẹp làm sao!
Tiết học ngoài trời thú vị thật!
Tôi ngửi thấy một mùi thơm dìu dịu còn vương trên những hạt phấn hoa
Tôi xao xuyến trước những sắc màu bắt mắt của đủ loài hoa
Ngôi trường khoác lên mình chiếc áo trắng thanh tao màu pha xanh lam, giản dị nhưng không kém phần nổi bật
Ôi…mình sờ thấy giọt sương đêm còn sót lại trên từng ngọn cỏ mỏng manh
Quan sát xong rồi…Nào! Mình cùng tập viết câu theo cảm nhận riêng.
Sau khi tổ chức cho học sinh quan sát,ở tiết học thứ 2, cô giáo đã hướng dẫn học sinh của mình phát triển kĩ năng dùng từ, đặt câu, tạo lập đoạn văn qua hệ thống ba dạng bài tập cơ bản:
1) Bài tập làm giàu vốn từ.
2) Bài tập phát triển câu bằng cách sử dụng từ ngữ gợi tả và các biện pháp nghệ thuật.
3) Vận dụng vốn từ ngữ, kỹ năng quan sát và vốn sống của mình , học sinh thực hành viết đoạn văn miêu tả.
Tiết học đã diễn ra rất sôi nổi với hoạt động thảo luận nhóm lớn để giải quyết bài tập 1 với mục đích mở rộng vốn từ cho học sinh. Trước đó các em được quan sát, cảm nhận các đặc điểm riêng của các sự vật bằng nhều giác quan khác nhau, chính vì vậy các em đã tìm được rất nhiều từ ngữ phù hợp đặc điểm sự vật,bên cạnh đó các từ ngữ rất giàu hình ảnh, cảm xúc. Chúng tôi ngạc nhiên trước vốn từ giàu có mà chân thực của các em.
Chúng mình cùng chia sẻ kết quả thảo luận nhé!
Nhóm nào cũng tìm được rất nhiều những từ ngữ gợi tả
Ở bài tập 2, với vốn từ phong phú ở BT1 các em cũng đã rất tinh tế và giàu sức liên tưởng khi sử dụng những các biện pháp nghệ thuật để đặt các câu văn hay hơn.
Ồ! Câu văn của bạn hay quá! Mình phải ghi vào sổ tay để học tập thôi.
Đến với kết quả của bài tập 3, chúng tôi trầm trồ đi khi giọng văn mượt mà, bay bổng của các cô bé, cậu bé cất lên. Mỗi một đoạn văn là một sự vật được hiện lên mới gần gũi, thân quen làm sao! Quang cảnh trường mình thật đẹp, thật đỗi thân thương trong mắt các cô cậu học trò nhỏ. Mỗi em sử dụng một văn phong độc đáo, theo cảm nhận riêng của mình và trong mỗi một câu văn ấy lại hết sức chân thực và chứa đựng rất nhiều tình cảm của mình. Chính ngôn từ của các em đã đưa chúng ta hòa vào quang cảnh ngôi trường vô cùng tươi đẹp, đặc biệt và rất thân thiện.
Chúng mình cùng nhau dệt nên một bức tranh ngôi trường
bằng chất liệu ngôn từ
Một tiết dạy gói gọn trong hơn 40 phút, nhưng với sự hướng dẫn cụ thể, hấp dẫn của cô giáo các em đã có một tiết học thật vui và bổ ích. Qua tiết học, học sinh không chỉ trau dồi thêm về mặt kiến thức mà còn trang bị, rèn luyện được rất nhiều kỹ năng, năng lực như: năng lực điều hành, hợp tác, tự giải quyết vấn đề.
Sau tiết chuyên đề chúng tôi đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ, và xây dựng các phương pháp , hình thức tổ chức phù hợp trong dạy học văn miêu tả nói riêng và dạy học Tập làm văn nói chung.
Quan sát không chỉ phục vụ việc dạy học văn miêu tả mà trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống … đều đòi hỏi ở mọi người phải có kỹ năng quan sát. Vì nó giúp con người nhận ra bản chất vấn đề nhanh chóng, từ đó đưa ra những phương pháp, ý tưởng thích hợp nhất. Vì vậy, chúng tôi hướng tới tạo thói quen quan sát mọi lúc, mọi nơi, mọi vật thành kỹ năng để các em khám phá thế giới xung quanh với vô vàn điều kì thú.
Tin - Bài : Trần Xô (GVCN Lớp 4C)
Ảnh:Nhiều nguồn